Bếp ăn phục vụ miễn phí cho bệnh nhân

07/07/2022 - 07:10

 - Đã hơn 30 năm bếp ăn từ thiện (còn được người dân địa phương gọi thân thương là “Nhà cháo”) của Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) được cấp phép hoạt động. Đó cũng là ngần ấy những tháng, ngày bếp ăn luôn đỏ lửa kể cả cuối tuần đều sẵn sàng phục vụ cơm, cháo, nước sôi miễn phí cho bệnh nhân, thân nhân thăm nuôi.

Bếp ăn từ thiện phục vụ đều đặn mỗi ngày

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu Võ Văn Cứng, thời gian đầu, bếp ăn còn khá tạm bợ, gặp nhiều khó khăn vì phải thường xuyên di dời. Tuy nhiên, với tấm lòng thiện nguyện, các thành viên của hội luôn cố gắng vượt khó, hết mình vì công tác xã hội. Qua đó, đã nhận được sự ủng hộ của địa phương, các nhà hảo tâm gần xa, nên duy trì hoạt động đến hôm nay.

Hiện tại, bếp ăn có 144 hội viên, bao gồm các tổ trực luân phiên nấu, phát cơm, cháo, nước mỗi ngày. Mỗi tổ gồm 10 người và trực 1 tuần. Ngoài ra, còn có 1 tổ chuyên sơ chế rau cải, 8 tài xế lái xe chuyển bệnh phục vụ 24/24 giờ cũng chia ca ra trực 2 người/tuần, tổ chuyên sửa xe ôtô, tổ văn phòng… Trân quý nhất là các thành viên tham gia tại bếp ăn đều không nhận thù lao, mọi người đều cống hiến để phục vụ cộng đồng.

Các thành viên từ đầu bếp cho đến phụ trách sơ chế rau củ đa phần là cô, chú lớn tuổi. Họ là những nông dân “Tay lấm chân bùn”, cho đến những bà nội trợ chỉ quen lo việc nhà. Vậy mà, xong việc đồng áng, vun vén chuyện gia đình là mọi người lại cùng nhau làm việc thiện, góp sức phục vụ bệnh nhân có được những phần ăn ngon, dinh dưỡng. “Các thành viên ở bếp ăn đa phần lớn tuổi nhưng ai cũng có tấm lòng thiện nguyện, muốn được gắn bó, vì thấy được công việc ý nghĩa, đồng hành với bệnh nhân trong lúc điều trị tại bệnh viện” - ông Cứng bày tỏ.

Công việc tại bếp ăn dù mỗi người mỗi việc, nhưng vì phải phục vụ nhiều suất ăn, nên mọi người phải làm việc luôn tay, luôn chân. Đều đặn cứ 4 giờ sáng là bếp ăn đã đỏ lửa, khoảng 1 giờ sau là có cháo và nước nóng phục vụ bệnh nhân. Các loại rau, củ nào sơ chế được từ chiều hôm trước sẽ được làm sẵn và bảo quản, còn lại đều được các thành viên hoàn thành trong buổi sáng để kịp phát cho bữa cơm trưa và chiều. Mỗi ngày, bếp ăn phục vụ khoảng 400 phần cơm chay, đó là chưa kể những suất cháo ăn sáng và nước sôi. Dù là phần ăn chay, nhưng luôn được đầu bếp chế biến bằng cả tấm lòng, gồm: Món xào, canh, đồ kho và đều được đổi món mỗi ngày.

Thấy được công việc ý nghĩa của bếp ăn, em Huỳnh Thanh Bình (TX. Tân Châu) cùng các bạn góp sức bằng cách vận động rau, cải từ các tiểu thương tại chợ Tân Châu để ủng hộ cho bếp ăn. “Mình làm được việc gì giúp được mọi người thì làm. Không có dư giả về tài chính thì mình có tấm lòng. Hàng tuần, em cùng các bạn đi đến chợ để vận động rau, củ cho bếp ăn. Trên tinh thần tự nguyện, ai cho gì cũng lấy, càng nhiều người cho thì đồ ăn càng phong phú, bà con đang trị bệnh sẽ có bữa cơm ngon hơn, yên tâm điều trị bệnh” - Bình chia sẻ.

Không chỉ tập trung vào hoạt động của bếp ăn tại bệnh viện, Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu còn thực hiện nhiều hoạt động phúc lợi xã hội tại địa phương. Cụ thể, nhiệm kỳ 2016-2021, hội đã xuất quỹ trực tiếp giúp gần 700 lượt bệnh nhân nghèo mua thuốc theo toa của bác sĩ, với số tiền 364 triệu đồng. Giúp cất, sửa nhà cho hộ nghèo, xây cầu ở các địa phương trên địa bàn TX. Tân Châu với số tiền gần 650 triệu đồng; mua 2 xe chuyển bệnh, cấp xăng, dầu cho xe hoạt động đưa rước bệnh nhân, đưa người quá cố về gia đình, chi phí gần 2,6 tỷ đồng…

Hoạt động của hội và bếp ăn được duy trì đều đặn nhờ sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo địa phương, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm gần xa. Để có được sự tin tưởng đó, từ trước đến nay, việc thu chi đều rất rõ ràng, hàng tháng đều công khai tài chính cho các hội viên biết và làm đúng theo quy định của nhà nước.

“Khi làm bất cứ công việc gì cũng vậy, nhất là đối với công tác thiện nguyện, phục vụ cộng đồng phải xuất phát từ cái tâm mới có thể làm tốt được. Có như vậy mới đem lại niềm vui, sự ấm áp, san sẻ với những hoàn cảnh không may trong cuộc sống” - ông Võ Văn Cứng khẳng định.

ÁNH NGUYÊN