Làm không lương
Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng họ dậy sớm để dạo qua các chợ thu gom nguyên liệu như: rau, củ, quả, tàu hủ, đậu tương… của những bạn hàng tốt bụng tặng. Thấy họ nhiệt huyết vì cộng đồng xã hội, những bà nội trợ cũng “í ới” rủ nhau mỗi người mua vài miếng tàu hủ, bó rau để gửi tặng bếp ăn.
Lão nông Võ Thanh Mới (Tư Mới, năm nay 72 tuổi, ngụ xã Thoại Giang, Thoại Sơn), một trong những người tiên phong làm thiện nguyện tại bếp ăn này cho biết, thấy bà con nghèo trị bệnh gặp khó khăn về điều kiện ăn, uống nên mọi người tự nguyện đứng ra xin thành lập bếp ăn để nấu cơm, cháo… giúp bệnh nhân được ấm lòng. Ban đầu, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn về vật chất, phải đi vận động, quyên góp từng lít gạo, bó củi, cọng rau… ai có gì cho nấy.
“Vận động được bao nhiêu chế biến hết bấy nhiêu, mới đủ phục vụ bà con bệnh nhân. Cơ sở này không phân biệt giàu, nghèo, bà con nào có nhu cầu ăn cơm, cháo thì bếp ăn sẵn sàng phục vụ, kể cả thân nhân nuôi bệnh” - ông Tư Mới bày tỏ với chúng tôi.
Hiện nay, ông Tư Mới được xem là “cây cao bóng cả” ở bếp cơm này, được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập, ông Tư Mới cho biết, lúc trước cơ sở này chỉ có vài người tham gia, sau này thấy việc làm từ thiện có ích cho xã hội, nhiều người đã xung phong vào đây phụ việc từ lặt rau, chẻ củi đến phơi lúa. Đến nay, bếp ăn này đã có hơn 30 người tham gia. Công việc rất cực, nhưng anh em luôn hỗ trợ nhau nên mới duy trì được bếp ăn cho đến hôm nay.
“Bếp ăn hoạt động trên cơ sở tự nguyện, ai rảnh giờ nào vào làm giờ đó. Chúng tôi không bắt buộc phải có mặt thường xuyên. Mặc dù làm không ăn lương nhưng bà con tại bếp ăn này rất hăng say, nhiệt tình” - ông Tư Mới tâm sự.
Chế biến những món ăn chay dành cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Thợ nấu chính hiệu nông dân
Rảo một vòng qua gian bếp, chúng tôi mới thấy hết sự tất bật, nhộn nhịp của những người thợ nấu “chính hiệu nông dân” tại đây. Những người tham gia vào bếp ăn từ thiện đều có “tay nghề” nấu nướng. Trong đó phải kể đến thợ nấu Mai Thị Khê (cô Sáu Khê, năm nay 68 tuổi, ngụ xã Thoại Giang). Cô Sáu Khê xung phong “thổi lửa” bếp ăn đã ngót nghét 24 năm. Những suất ăn do cô nấu đều thơm ngon, hấp dẫn.
Đang loay hoay xào món tàu hủ với đậu que, gặp chúng tôi cô Sáu Khê nói với giọng rổn rảng: “Tui nấu thức ăn chay. Tuy nhiên, để bệnh nhân không ngán, tui thay đổi món ăn liên tục. Nếu hôm nay nấu món tàu hủ kho, canh chua thì ngày mai phải nấu món xào hoặc tàu hủ chiên ăn với tương…”.
Ông Tư Mới cho biết, những chị em thợ nấu ai cũng khéo tay. Các món ăn do họ nấu đều ngon và hợp vệ sinh. Ngoài nấu cơm, các chị còn tích cực nấu cháo, nước sôi vào sáng sớm để phân phát cho bệnh nhân. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, tất cả các thành viên tại cơ sở bếp ăn từ thiện này luôn hành động theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực.
“Trung bình mỗi ngày, cơ sở từ thiện cấp phát trên 200 suất cơm, cháo và nước sôi cho bà con đến điều trị bệnh. Cái khó hiện nay là xe tải đi vận động vật chất để nấu cơm, cháo đã cũ kỹ, thường hư hỏng dọc đường. Còn xe cứu thương cũng quá hạn sử dụng. Do đó, rất cần nhà hảo tâm hỗ trợ để cơ sở hoạt động tốt hơn cho bệnh nhân nghèo ở địa phương” - ông Tư Mới bộc bạch.
Chia tay bếp ăn từ thiện trong cái nắng gay gắt của buổi trưa hè đứng gió, nhìn các anh, các chú khệ nệ mang vác từng bao lúa tươi ra phơi để chăm lo cho bà con nghèo, chúng tôi cảm phục trước tấm lòng thiện nguyện của họ. Bếp ăn này luôn là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân nghèo bởi những suất cơm, cháo ấm áp lòng người của cư dân vùng đất Thoại Sơn giàu nghĩa tình.
Chủ tịch UBND xã Thoại Giang Lê Hiền Hòa cho biết, cơ sở nấu ăn từ thiện này đã hoạt động rất lâu. Hầu hết những người tham gia đều có cái tâm trong sáng, rất đáng trân trọng. Địa phương luôn ủng hộ việc làm này của bà con. Qua đó, giúp bệnh nhân nghèo giảm bớt gánh nặng trong quá trình điều trị bệnh. |
Bài, ảnh: THÀNH CHINH