Biên giới An Giang những ngày giãn cách

14/09/2021 - 07:23

 - Sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, rồi Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khu vực biên giới An Giang khá thưa vắng, người dân chưa vội ra đường. Với nhiều người, ở trong nhà vẫn là cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất hiện nay.

Tuyến Tỉnh lộ 955A thưa vắng dù các địa phương hạ mức giãn cách xã hội

Hơn 8 giờ sáng, Tỉnh lộ 955A qua địa bàn xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) vẫn chưa có ai qua lại. Dù thành phố hạ mức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg tại một số địa phương, nhưng người dân vùng biên này vẫn khá thận trọng, bởi họ nhận thấy sự đe dọa của dịch bệnh còn rất cao. Mùa này, nước kênh Vĩnh Tế chuyển sang màu nâu đỏ của phù sa. Dòng kênh lịch sử vẫn như mấy trăm năm trước, cứ đến mùa lại mang vị ngọt của thiên nhiên tưới tắm ruộng đồng. Năm nay, nước lũ về muộn nên thời điểm này ruộng đồng khu vực biên giới còn trơ gốc rạ.

Tìm kiếm mãi, tôi mới gặp được 1 người dân đang mang chài đi bắt cá. Vốn là dân câu lưới “chính hiệu”, nhưng anh Huỳnh Văn Mai (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) vẫn chưa thể đi kiếm cá, bởi con nước năm nay xem chừng rất nhỏ. Anh Mai trải lòng: “Tui ở nhà tránh dịch mấy tháng nay, cuộc sống khó khăn lắm. Lúc trước, chưa tới mùa lũ thì tui đi làm thuê, trang trải cuộc sống gia đình. Nước tràn đồng thì đi bắt cá, bắt tôm để kiếm đồng ra đồng vô. Năm nay, tình hình chắc lại hẩm hiu, bởi đầu tháng 8 (âm lịch) rồi mà không thấy nước nôi gì hết. Giờ chính quyền địa phương hạ mức giãn cách, tui mới vác chài ra kiếm mớ cá để ăn trong nhà. Dịch bệnh COVID-19 đã làm mình khó khăn, lại thêm con nước kém kiểu này thì càng vất vả”.

Mạnh tay quăng chài vẽ một đường tròn lên mặt nước đục ngầu, anh Mai trầm lặng - như cuộc sống thời giãn cách xã hội. Mấy tháng nay, gia đình anh sống tiết kiệm với số tiền tích lũy, giờ là lúc anh phải đi kiếm cái ăn, bằng việc chài cá đắp đổi qua ngày. Khi nước dâng cao, anh đi giăng lưới đồng xa thì nguồn thu sẽ khá hơn. Chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi để anh có thể yên tâm mưu sinh trong những ngày tới.

Ngồi nghỉ mát dưới tán cây rợp bóng của chùa Bà Bài (xã Vĩnh Tế), ông Tăng Văn Hai cố gắng tận hưởng cảm giác thư thái sau những ngày giãn cách. Ngôi chùa nằm tách biệt bên bờ kênh Vĩnh Tế này trước đây luôn đông người đến cúng viếng, nhưng giờ rất vắng vẻ. Là người dân địa phương nên ông Hai đến viếng chùa như thói quen. Thật ra, ông định đến chùa Bà Bài cúng viếng vào rằm tháng 7 (âm lịch), nhưng do giãn cách xã hội nên đến giờ mới thực hiện được tâm nguyện của mình.

“Tui tới đây lúc chùa chưa mở cửa, đành vái lạy bên ngoài để thể hiện sự thành tâm. Tui chở hàng thuê, lúc này chưa kiếm sống lại được. Dù đã hạ mức giãn cách, nhưng các xã lân cận còn đặt chốt kiểm soát, chưa thể lưu thông. Lúc này, nới lỏng giãn cách một phần thì dân dễ thở rồi. Thôi thì cứ đợi đến khi nào dịch ổn định, mình mưu sinh tiếp. Mấy ngày nay, bà con còn ngại ra đường, nên tui không dám tụ tập nói chuyện với người khác” - ông Hai thật tình.

Nắng trưa dần gay gắt hơn, Tỉnh lộ 955A vẫn thưa thớt bóng người. Đưa mắt nhìn tít lên biên giới, thấy những Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Đó là “vành đai thép” luôn vững vàng trong cuộc chiến chống “giặc dịch” đe dọa cộng đồng. Từ những ngày đầu chống dịch đến giờ, “vành đai thép” ấy tạo được niềm tin cho quần chúng nhân dân. Thời điểm chưa giãn cách xã hội, những cán bộ, chiến sĩ trên chốt vẫn ngày đêm miệt mài với nhiệm vụ giữ gìn biên cương và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), người dân ít ra đường, thi thoảng vài bóng người bước ra cửa để hít thở không khí ngoài trời. Họ cho biết: ở nhà mãi cũng thành thói quen. Thật lâu, tôi mới nhìn thấy ngư dân bơi xuồng bắt cá tại khu vực cống Trà Sư. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự thất vọng, vì từ sáng đến trưa chỉ mới kiếm được vài con cá nằm lọt thỏm trong khoang xuồng.

Trở về khi mây đen đang vần vũ trên bầu trời biên giới, tôi càng thấy đường sá vắng tanh. Có lẽ, người dân dù rất mong chờ được trở lại với cuộc sống bình thường mới nhưng vẫn thận trọng với dịch bệnh. Đó là tín hiệu tích cực để vùng biên giới An Giang dần trở lại với cuộc sống không có dịch bệnh đe dọa như trước đây. Mong rằng, dịch bệnh sẽ sớm qua đi để người dân có thể được tiếp tục mưu sinh, khi con nước lũ về mang theo mùa cá mới.

THANH TIẾN