Biên giới vào xuân

20/12/2022 - 05:27

 - Những ngày cuối năm, không khí đón Tết ở vùng biên giới An Phú (tỉnh An Giang) càng trở nên sôi động. Điểm nhấn năm nay là tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội trở về trạng thái bình thường, sản xuất và thu hoạch tăng trưởng nên người dân chuẩn bị đón Tết phấn khởi.

Thị trấn Long Bình tiếp giáp Vương quốc Campuchia, có thế mạnh về kinh tế biên mậu, thương mại - dịch vụ, nên các hoạt động trung chuyển hàng hóa, dịch vụ rất phát triển. Tại cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, hàng hóa được tập kết và xuất sang Campuchia hay quay ngược về TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác, cao điểm trên 100 tấn/ngày. Rau màu của Long Bình còn được ưa chuộng ở thị trường Campuchia.

Trung tâm thương mại Long Bình chính thức hoạt động giữa tháng 11 vừa qua. Bà con tiểu thương rất phấn khởi, khi mua bán ở nơi khang trang, sạch đẹp. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 10.457m2 với 254 ki-ốt (trong đó, khu bách hóa tổng hợp 160 ki-ốt, khu nông sản thực phẩm 94 ki-ốt). Đến nay, 100% hộ đăng ký đã sắp xếp hàng hóa vào mua bán. Những ngày cuối năm, hàng hóa được tập kết về càng nhiều, không khí mua bán thêm sôi động.

Cùng với Trung tâm Thương mại An Phú, Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác Trung tâm thương mại Long Bình sẽ tạo thành hệ thống tiêu thụ, trao đổi hàng hóa rất thiết thực cho nhân dân vùng biên giới, góp phần quan trọng và tạo đà phát triển kinh tế biên mậu.

Xác định nông nghiệp là chủ lực, năm qua, An Phú xuống giống vụ thu đông phù hợp tình hình thực tế, góp phần hạn chế thiệt hại và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Huyện triển khai tốt kế hoạch xả lũ 3 năm 8 vụ giai đoạn 2023-2025 thuộc tiểu vùng Bắc và Nam mương Tám Xóm (xã Nhơn Hội, Phú Hội, Phước Hưng, Quốc Thái, thị trấn An Phú) và tiểu vùng Bắc Cỏ Lau (xã Phú Hữu). Tăng cường nắm tình hình thời tiết để khuyến cáo người dân kịp thời ứng phó với thiên tai và phòng, chống sạt lở đất bờ sông.

Kết quả đạt được khả quan, với tổng sản lượng lương thực 226.927 tấn, đạt trên 104% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 183,5 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện hiệu quả mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện có 19 nhà màng trồng dưa lưới và rau màu ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 2ha, có 43 nhà lưới giá rẻ (diện tích từ 250 - 500m2/nhà), trồng rau ăn lá và ươm giống cây con…

“Năm nay lũ “đẹp”, thu nhập từ khai thác mùa lũ giúp bà con cải thiện đời sống rất đáng kể. Phù sa từ lũ mang về bồi đắp cho đồng ruộng, giúp sản xuất thuận lợi, đạt năng suất cao hơn” - ông Phạm Văn Lợi (ngụ xã Vĩnh Hậu) chia sẻ.

Tết này, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Bình chuẩn bị khoảng 100 tấn xoài phục vụ thị trường Tết. Ông Huỳnh Thanh Minh (Giám đốc HTX) cho biết: “HTX hiện có 650ha xoài, trong đó 350ha trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi đã bao trái 100% diện tích, nhằm hạn chế dịch bệnh gây hại, giảm khoảng 30% chi phí sản xuất và giúp xoài có da sáng bóng, trái đẹp, bán được giá cao. Tết này, dự kiến HTX xuất bán khoảng 100 tấn, trong đó, thị trường nội địa 50 tấn và xuất bán 50 tấn cho Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… ”.

Ý nghĩa hơn, tại xã Vĩnh Hậu (huyện An Phú), Ban Chỉ huy Quân sự huyện An Phú phối hợp với UBND xã Vĩnh Hậu tổ chức lễ xuất quân thực hiện chương trình Tết quân - dân năm 2023. Chương trình diễn ra từ ngày 7/11 đến tháng 1/2023, với các hoạt động thiết thực: Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; chính sách đối với dân tộc, tôn giáo; chính sách hậu phương quân đội…

Nhất là, xây dựng đường giao thông nông thôn; trồng hoa trên tuyến đường và vệ sinh môi trường; vận động tặng quà hỗ trợ gia đình nghèo, Quỹ Cây mùa xuân; giao lưu thể thao, hội thi ẩm thực, chăm lo Tết cho gia đình chính sách và người nghèo…

Địa phương huy động hàng trăm người, gồm lực lượng bộ đội (Đại đội 5, Tiểu đoàn 511, Trung đoàn bộ binh 892), dân quân, công an, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nhân dân… tham gia. Tổng trị giá các công trình (bao gồm ngày công lao động) khoảng 3 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương, chương trình Tết quân - dân được tổ chức hàng năm, là hoạt động có ý nghĩa to lớn, không ngừng xây dựng, củng cố và giữ vững mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, chương trình có ý nghĩa khi chăm lo cho gia đình chính sách và người nghèo đón Tết. Đây là việc làm thiết thực giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

“Thực hiện chương trình Tết quân - dân vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương nhấn mạnh.

HỮU HUYNH