Bình đẳng giới trong tham gia quản lý đất ngập nước xuyên biên giới

03/11/2022 - 06:57

 - Dự án “Mang đến bàn ăn không chỉ là thức ăn: Tạo nên sự thay đổi có ý nghĩa trong vấn đề bình đẳng giới và công bằng xã hội; tập trung vào sự tham gia trong quản lý vùng đất ngập nước xuyên biên giới ở ĐBSCL” (Brimofot) nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan đến chính sách theo chủ đề ở các cấp độ khác nhau, bao gồm những vấn đề liên quan đến giới và bình đẳng xã hội, giảm nghèo bền vững...

Việt Nam có gần 12 triệu ha đất ngập nước, trong đó chưa kể diện tích sông, suối ngập nước theo mùa và suối, điểm nước nóng, nước khoáng, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc, với sự đa dạng về các kiểu loại và phong phú về đa dạng sinh học… Đất ngập nước có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế, như: Sản xuất nông nghiệp để cung cấp lượng thực chính cho người dân Việt Nam, nuôi trồng thủy sản, du lịch… 

Dự án Brimofot được thực hiện từ tháng 7/2020 đến 12/2022, với sự hợp tác nghiên cứu giữa Trường Đại học Kiên Giang (chủ trì) phối hợp Trường Đại học An Giang và Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia) và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Theo đó, dự án thực hiện tại vùng biên giới giữa 2 quốc gia Việt Nam - Campuchia; địa bàn nghiên cứu ở các xã Nhơn Hưng và An Phú (huyện Tịnh Biên) và 2 xã của tỉnh Takeo (Vương quốc Campuchia) nhằm nghiên cứu sự tham gia của phụ nữ và các nhóm yếu thế khác trong quản lý tài nguyên đất ngập nước. Từ đó, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định để cải thiện tài nguyên đất ngập nước nhằm phát triển sinh kế.

TS Dương Văn Nhã (Trường Đại học Kiên Giang) giới thiệu dự án

Vừa qua tại TP. Long Xuyên, Trường Đại học Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo khoa học “Giới và bình đẳng giới trong việc tham gia quản lý đất ngập nước xuyên biên giới ở ĐBSCL”. Hội thảo đã giới thiệu về dự án Brimofot và chia sẻ các nghiên cứu, về: Tổng quan về chính sách quản lý đất ngập nước của Việt Nam; chính sách và thực tiễn lồng ghép giới trong quản lý tài nguyên nước thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang; tầm quan trọng của sự tham gia các nghiên cứu phát triển; Giới và quản trị nước; sự thay đổi nguồn nước tại vùng ĐBSCL…

Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện mục tiêu phát triển bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách về giới thông qua hệ thống chính sách, pháp luật và kế hoạch hành động thúc đẩy bình đẳng giới; thông qua việc lồng ghép bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững…

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, phụ nữ nông thôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng và quản lý tài nguyên nước, nhưng phụ nữ nông thôn còn “khiêm tốn” trong việc tham gia các hoạt động, ít ra quyết định (nhất là phụ nữ nghèo), ít tham gia quản lý việc bơm nước, tưới tiêu… Theo nghiên cứu, giới chưa được lồng ghép một cách có hệ thống cho tất cả các chính sách và chương trình ở cấp độ thực hiện, vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.


Việc thực hiện các chính sách và chương trình hiện nay chưa “nhạy cảm” về giới; chưa có nhiều động lực khuyến khích phụ nữ tham gia tích cực vào quản lý tài nguyên nước… Tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong các đề án, dự án về tài nguyên nước chưa có quy định cụ thể, chủ yếu là lồng ghép, do quan niệm “phụ nữ nên lo việc gia đình, chăm lo con cái; còn nam giới nhanh nhẹn hơn, dễ nắm bắt cơ hội và thực hiện các công việc liên quan quản lý tài nguyên nước” vẫn còn…

TS Phạm Huỳnh Thanh Vân (Trương Đại học An Giang) trình bày nghiên cứu về “Những thay đổi của tài nguyên nước ở ĐBSCL”

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bất bình đẳng giới trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên nước (đặc biệt là phụ nữ ở vùng đất ngập nước ở thượng nguồn ĐBSCL) do các yếu tố văn hóa - xã hội, trình độ chuyên môn, nhận thức…

TS Dương Văn Nhã (Trường Đại học Kiên Giang, thành viên chủ chốt nghiên cứu dự án) cho biết, dự án kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể sự tham gia tích cực của phụ nữ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vào quá trình ra quyết định và quản lý tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước, nhằm đưa chính sách vào thực tiễn. Đồng thời, tạo tiền đề cho các cuộc đối thoại liên quan đến quản trị chung các vùng đất ngập nước ở khu vực biên giới thuộc tỉnh An Giang (Việt Nam) và tỉnh Takeo (Campuchia). 

HỮU HUYNH