Buổi sáng ở xã Bình Hòa, trong cái se lạnh tinh mơ, quán cà phê Song Anh sáng đèn. Nằm ngay mặt tiền quốc lộ 91, quán phục vụ khách hành hương, tài xế đường dài và người địa phương từ lúc 2 giờ. Không gian tuy khiêm tốn nhưng luôn tấp nập nhờ sự tiện lợi, chất lượng ổn định và đặc biệt là cà phê pha bằng máy. Chủ quán cà phê Song Anh Nguyễn Văn Phương cho biết: “Ban đầu, tôi bán cà phê phin như bao người. Lúc đầu có mấy người ở Sài Gòn ghé hỏi cà phê pha máy, tôi không có. Sau đó, tôi lên thành phố xem rồi bàn với vợ quyết định đầu tư máy”. Đến nay, quầy có ba máy pha, trong đó có hai máy nhập khẩu từ Ý, mỗi chiếc hơn 50 triệu đồng. Mỗi ngày, quán phục vụ khoảng 200 ly, hoạt động suốt ngày đêm.
Theo anh Phương điều khiến khách tin tưởng là sự minh bạch. “Tôi xay hạt, nén cà phê, pha trước mắt khách nên họ rất thích. Không hương liệu, không pha chế phức tạp, cà phê thơm, hậu vị rõ, không đắng gắt và quan trọng là sạch”.

Nhân viên pha chế cà phê bằng máy phục vụ khách tại quán cà phê Song Anh đoạn qua quốc lộ 91
Tự phát, nhỏ lẻ nhưng giữ tinh thần cà phê sạch
Cách đó đoạn đường khá xa, đường vào lộ tẻ Tri Tôn tại xã Vĩnh An, vợ chồng bà Lê Thị Châu và ông Nguyễn Văn Tùng đang bán cà phê pha máy trước nhà. Mỗi ngày ông bà bán từ 5 - 20 ly cà phê, chủ yếu cho khách vãng lai đi Tri Tôn, Hà Tiên. Cà phê có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/ly, rẻ hơn nhiều nơi. “Khách đi xa ghé uống còn không lấy tiền dư, nói là ủng hộ cà phê sạch”, bà Châu kể.
Khó khăn lớn nhất của quầy nằm ở thị hiếu địa phương. Người dân quanh vùng chưa quen uống cà phê pha máy, có người uống thấy khó chịu, khó ngủ hoặc không hợp gu. Vợ chồng bà Châu bán cà phê pha máy không vì lợi nhuận mà vì muốn giới thiệu cho bà con ly cà phê đúng chất, đúng vị. “Miễn khách hài lòng, uống tốt cho sức khỏe là tôi vui”, bà Châu nói.
Cà phê pha máy không hợp với tất cả mọi người
Với nhiều người, uống cà phê không chỉ là chuyện vị giác mà còn là nếp sinh hoạt hàng ngày, có người không thích cà phê pha máy. Anh Được, ngụ xã Bình Hòa chia sẻ: “Tôi quen uống cà phê trộn, mỗi hiệu một mùi, một vị, một màu khác nhau, tôi trộn lại uống thấy ngon. Cà phê máy vị chát, lại mắc hơn cà phê phin 5.000 đồng/ly. Tôi uống cà phê không cần cầu kỳ, miễn hợp khẩu vị”. Còn anh Tâm - nhân viên giao hàng cho biết: “Tôi uống cà phê để tỉnh táo hơn. Cà phê pha máy sạch nhưng tôi chưa quen vị, nhiều lúc buồn ngủ quá tôi uống một ly chứ không uống thường”.
Những ý kiến này cho thấy cà phê pha máy tuy mang lại sự tiện lợi và vệ sinh, nhưng vẫn cần thời gian để tạo chỗ đứng vững trong thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn.

Ly cà phê pha máy đầy bọt mịn, đựng trong ly nhựa tiện lợi cho khách mang đi
Cà phê sạch và hành trình được chấp nhận
Mô hình cà phê pha máy đang chứng minh giá trị trong đời sống thường nhật, điểm mạnh không nằm ở hình thức mà ở cảm giác yên tâm khi người mua thấy rõ quy trình pha chế, được chọn vị đậm hay nhẹ tùy khẩu vị. “Lúc đầu khách ngại nhưng uống vài lần quen thì thích. Khách quay lại ủng hộ vì cà phê ngon, sạch và vì cách phục vụ tử tế”, anh Phương nói. Còn với vợ chồng bà Châu, mỗi ngày bán được vài chục ly là đủ vui. “Có hôm mệt, tôi tính nghỉ thì khách đến kêu bán ly cà phê sạch, nghe vậy tôi lại muốn bán tiếp”, bà Châu nói.
Cà phê pha máy từng được xem là của quán lớn, giờ có mặt ở sân nhà, bên đường quê. Sự hiện diện này cho thấy đời sống nông thôn có những đổi thay âm thầm, nơi từng ly cà phê mới góp phần định hình lại cách uống, cách nghĩ và niềm tin vào chất lượng trong cuộc sống.
Bài và ảnh: BÍCH GIANG