Ngày nay, chợ quê mua bán nhộn nhịp và đầy đủ các loại hàng hóa hơn xưa, nhưng nét quê vẫn còn giữ trong những âm thanh ồn ã của chợ, trong hình ảnh những lợp bắt cá hay những tấm lưới mới giăng câu về. Nếu là người lần đầu được ghé thăm chợ quê, chắc chắn những nét đẹp bình dị ấy sẽ làm thức dậy các giác quan, rồi trở thành niềm lưu luyến khi đi xa. Còn đối với những người xa quê thì ký ức về chợ quê là hình ảnh thân thương, không thể phai nhòa.
Vốn nhộn nhịp vào mỗi phiên họp chợ nhưng mùa nước nổi, chợ quê càng tấp nập người mua kẻ bán hơn. Chỉ là mớ cá đồng, cua đồng vừa giăng bắt được hay ít rau tập tàng (nhiều loại rau được trộn với nhau, như: Rau dền, mồng tơi, rau sam, lá ớt non, rau lang, rau má, bồ ngót…) đơn giản nhưng nếu đi chợ muộn thì không còn gì để mua.
Chợ quê là nơi mà có những sản phẩm chính tay người nông dân một nắng hai sương, tần tảo sớm hôm làm ra, để đem đến chợ trao đổi, mua bán. Không chỉ vậy chợ còn là nơi để bà con, làng xóm gặp gỡ giao lưu. Với sự khéo tay của các mẹ, các bà, nhiều loại bánh dân gian được bày bán khắp chợ.
“Có ít đất quanh nhà, vợ chồng tôi trồng xen canh nhiều loại rau củ, như: Hành lá, xoài, cải xanh, bắp cải… Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã tranh thủ mang “của nhà trồng” được ra chợ bán. Chỗ bán ở chợ chỉ vài mét vuông, ai ngồi đâu quen đó nên mấy chục năm nay, tôi vẫn không thay đổi chỗ bán. Chịu khó bán từ sáng đến xế trưa, mỗi ngày kiếm được hơn 200.000 đồng, lo cho gia đình. Hôm nào mưa dầm coi như… xong một ngày” - cô Thanh Thủy (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết.
Kim Phượng (đang sinh sống TP. Hồ Chí Minh) - cô bạn học thuở nhỏ của tôi bảo rằng, mỗi lần về quê là phải lấy xe lượn vài vòng ra chợ quê dù không mua sắm gì nhưng chỉ cần ra ngắm thôi cũng thấy vui. Bởi, “mùi” chợ quê đặc trưng lắm!
Nó gần gũi, quen thuộc đến nỗi ai đi xa... cũng nhớ về. Góc chợ đơn sơ, nhuốm màu năm tháng là nơi thân thuộc với mỗi người dân quê. Chợ quê là một phần của văn hóa ở mỗi địa phương, nơi mà những người con xa quê đều muốn tìm đến để gặp lại những nét ký ức thuở nào.
Ở chợ quê, nhiều người vẫn nói vui, bán đắt, mua đắt mà không đắt. “Mớ rau tập tàng chỉ có giá 10.000 đồng/nửa ký, nải chuối chín bói mới cắt còn tươm mủ chưa tới 15.000 đồng, lại còn nhiều sản vật “cây nhà lá vườn” người dân hái được đều mang ra bày bán ở một góc chợ quê. Với tôi, đó là nét đẹp đơn sơ và mộc mạc. Chợ quê luôn đông vui, tấp nập, huyên náo, ồn ào với đủ thứ âm thanh và mùi vị trộn lẫn vào nhau...
Thỉnh thoảng lại nghe bạn hàng hỏi thăm nhau: “Sáng giờ, bán được nhiều không?” hay “Còn ít cá mới chài được, mua dùm để chị tan chợ sớm nha em”. Mọi thứ diễn ra thật tự nhiên và gần gũi” - chị Hoa Lý (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Với nhiều người, chợ quê dễ nhận biết với hình ảnh những tấm ny-lon trải trên nền đất để bày dăm ba nải chuối, rổ ổi, vài trái dừa khô, ít cá đồng giăng lưới… hoặc rau dại hái ngoài bờ ruộng. Dẫu vậy, người bán luôn cố gắng sắp xếp những thứ mình bán một cách gọn gàng nhất để dễ tìm, dễ lấy chứ không bừa bộn, lộn xộn. Góc chợ miền quê bao giờ cũng giản dị, dân dã. Là bức tranh thiên nhiên đầy đủ sắc màu của đời sống của người dân quê. Nét bình dị ấy chỉ duy nhất có ở chợ quê, không tìm thấy ở bất kỳ đâu.
Chỗ ngồi chỉ vài mét vuông trong một góc chợ An Châu (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) nhưng mỗi ngày, bà Hai (ngoài 60 tuổi) tranh thủ bày hàng bán rất sớm để kịp buổi chợ sáng. Hôm thì ít rau bình bát, vài bó đọt bầu (nhà trồng), ít nải chuối xiêm, dăm ba trái bí ngô, dưa leo non mới hái… Thế nhưng, gian hàng của bà Hai thu hút khá nhiều người mua.
Không ít người mưu sinh theo con nước, đánh bắt được gì thì mang ra chợ quê bán để kiếm thêm thu nhập nên “đặc sản” mùa nước nổi dễ dàng tìm thấy ở chợ quê. Vào mùa nước nổi, sản vật thiên nhiên cũng phong phú hơn, “lộc” của trời (cá linh, bông điên điển, cua đồng, ốc đồng…) khó tìm ở chợ thành thị hay siêu thị lớn nhưng lại dễ dàng mua được với giá rất “mềm” tại chợ quê. Vì vậy, nhiều người thích đi chợ quê.
Theo thời gian, các loại hình chợ hiện đại như siêu thị xuất hiện càng nhiều nhưng chợ quê vẫn chưa bao giờ bị lãng quên. Bởi, chỉ ở chợ quê người ta mới thấy những hình ảnh bình dị, thân thuộc của những “sản vật” quê. Góc chợ nhỏ miền quê như một phần ký ức ấu thơ của những ai lớn lên nơi miền sông nước.
PHƯƠNG LAN