Bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024

08/12/2023 - 07:08

 - Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương An Giang phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp (DN) vừa triển khai kế hoạch bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) sẽ tham gia bình ổn thị trường từ ngày 13/12/2023 - 29/2/2024.

Phong phú nguồn hàng

Sở Công Thương An Giang cho biết, tổng giá trị dự trữ hàng hóa của 20 DN tham gia bình ổn khoảng 1.249 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với kết quả thực hiện năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… là 682 tỷ đồng (tăng 6,5%); xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng là 567 tỷ đồng (bằng 99% so thực hiện năm trước).

Có 212 đại lý, cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 113 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm và 99 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, được bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các DN cam kết mức giá bán ra luôn ổn định, tốt nhất cho người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương An Giang, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết, tuy nhiên, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng. Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các DN, công tác chỉ đạo, điều hành cùng với chương trình bình ổn thị trường sẽ bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Đảm bảo nguồn hàng hóa phong phú bình ổn thị trường Tết

Việc chủ động chuẩn bị nguồn hàng còn góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phát huy vai trò của các DN trong việc chủ động nguồn hàng tham gia bình ổn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do DN trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý...

Kích cầu tiêu dùng

Sở Công Thương An Giang theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết để chủ động có phương án hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Sở phối hợp tổ chức các sự kiện kích cầu tiêu dùng và phục vụ Tết, như: Phối hợp Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn, Winmart tổ chức 7 chuyến hàng Việt về nông thôn; sự kiện sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đặc sản tỉnh An Giang đồng hành cùng người tiêu dùng lần thứ II tại TP. Long Xuyên; Ngày hội sản phẩm đặc trưng -nổi tiếng An Giang và các vùng miền năm 2023 tại TP. Châu Đốc; sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm tiềm năng hướng đến OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, mang nhãn hiệu chứng nhận An Giang, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên và các huyện Thoại Sơn, Châu Thành.

Sở Công Thương An Giang phối hợp các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, DN, cơ sở SXKD hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung quốc gia - Grand Sale 2023; tạo điều kiện cho DN tổ chức các chương trình khuyến mại. Hỗ trợ DN tham gia các hoạt động cung cầu, giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, kết nối tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn giữa nhà sản xuất, chế biến với các cơ sở kinh doanh, phân phối và giới thiệu đến người dân những nguồn thực phẩm sạch, an toàn; sắp xếp, bố trí khu vực bán hàng phục vụ Tết, dự kiến có 21 chợ hoa Xuân...

Đảm bảo đủ nguồn hàng 

Sở Công Thương An Giang sẽ theo dõi tình hình cung cấp điện an toàn, ổn định trong dịp Tết. Chú trọng công tác bảo vệ an toàn phòng, chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc cung ứng đủ điện, nước phục vụ SXKD và sinh hoạt của Nhân dân trong dịp Tết. Kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật...

Theo Sở Công Thương An Giang, đến nay, mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có 5 - 6 cửa hàng tiện ích, siêu thị cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu nguồn hàng cung ứng cho người dân địa phương, Sở Công Thương An Giang đã chuẩn bị phương án điều tiết từ các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong cùng hệ thống đến nơi thiếu hàng cục bộ, hoặc vận chuyển hàng hóa từ các kho tổng của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích về phân bổ phù hợp, hỗ trợ nguồn cung, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu thiết yếu của người dân khi cần, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

HẠNH CHÂU