Bộ Công an đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

12/10/2022 - 07:52

Với mục tiêu hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người, Bộ Công an đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Công an thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với đối tượng Nông Đức Mạnh, sinh năm 2005, trú tại thôn Nà Phước, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, về hành vi mua bán người. Ảnh: TTXVN.

Bộ Công an cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người...

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật trợ giúp pháp lý năm 2017... trong khi đó các văn bản điều chỉnh công tác phòng, chống mua bán người đa số được ban hành trước thời điểm ban hành các văn bản này; các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu; do vậy, nhiều nội dung quy định trong các văn bản này không còn đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp, bộ luật, luật nêu trên và không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện (như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội).

Cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản)...; đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này.

Ngoài ra, các quy định cụ thể của Luật Phòng, chống mua bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người...

Với những lý do nêu trên thì việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Theo V.T (Báo Tin Tức)