Bộ Công Thương trả lời cử tri An Giang về giá điện

14/03/2024 - 06:07

 - Kiến nghị của cử tri làm rõ nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến giá điện, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Và hiện nay, tình trạng thiếu điện, cắt điện diễn ra thường xuyên trên diện rộng tác động đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá điện tăng cao ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân có thu nhập thấp, người dân ở nông thôn… Kiến nghị ngành công thương nghiên cứu và có giải pháp điều chỉnh giá điện phù hợp.

Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định về cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường và khung giá của mức bán lẻ điện bình quân. Bộ Công Thương ban hành 2 thông tư hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng, mua bán công suất phản kháng. Theo Bộ Công Thương, các chi phí cấu thành nên giá điện được tính đúng và giá điện được điều chỉnh theo biến động của thị trường, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Từ khi cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường được ban hành, giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh không chỉ đảm bảo tình hình tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư, vận hành hệ thống điện, mà còn đảm bảo tình hình tài chính cho các nhà đầu tư nguồn điện ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) điện. Việc kết hợp đồng bộ cơ chế điều chỉnh giá điện theo thông số đầu vào, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và cơ chế kiểm tra, giám sát đã tạo ra cơ chế quản lý, điều hành giá bán điện minh bạch hơn nhưng vẫn đảm bảo việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách về giá điện.

Ngoài ra, việc xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về giá điện, cũng như các quy định khác có liên quan, là cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách giá điện theo cơ chế thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch trong giá điện, đáp ứng yêu cầu về giá điện trong từng thời kỳ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý. Cụ thể: Đối với đầu tư phát triển nguồn điện: Cơ chế giá phát điện phù hợp với các cấp độ phát triển thị trường điện, đã tạo ra hành lang pháp lý cho các đơn vị phát điện thỏa thuận giá điện và hợp đồng mua bán điện với bên mua điện, đảm bảo cho các đơn vị phát điện thu hồi đủ chi phí và có lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững, thu hút được đầu tư xây dựng và phát triển nguồn điện, khắc phục được tình trạng thiếu điện. Đối với đầu tư phát triển lưới điện truyền tải: Việc quy định trình duyệt giá truyền tải điện hàng năm, đã tạo cơ sở pháp lý cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia thu hồi được các chi phí hợp lý và có mức lợi nhuận phù hợp cho việc huy động vốn đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải, đảm bảo khả năng truyển tải điện và vận hành an toàn, tin cậy của toàn hệ thống.

Giá bán lẻ điện của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cân đối cung - cầu và tiềm năng cung cấp điện nội địa của mỗi nước, bên cạnh đó là khả năng hỗ trợ (trợ giá) từ Chính phủ. Đối với Việt Nam, EVN phải tự cân đối tài chính do nhu cầu điện ngày càng tăng, trong khi Việt Nam đã trở thành nước nhập nhiên liệu ròng (than, khí hóa lỏng) với khối lượng ngày càng lớn, giá nhập khẩu điện và điện gió cao thì giá điện phải chịu ảnh hưởng mạnh từ thực tế này, nhất là những thời điểm giá năng lượng thế giới tăng cao.

Giá bán điện tiếp tục được điều chỉnh theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, quy định tại Quyết định 02/2023/QĐ-TTg, ngày 3/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Giá thành SXKD điện tiếp tục được kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường (năm 2023, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí SXKD điện, báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp Bộ tài chính, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, kiểm tra chi phí SXKD điện của năm 2022 và họp báo, công bố công khai). Đây là cơ sở cho việc điều chỉnh giá điện năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, để đảm bảo việc điều hành giá điện theo lộ trình, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 đã được điều chỉnh tăng 3% so giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, thời gian áp dụng từ ngày 4/5/2023. Đây là mức điều chỉnh tăng thấp nhất theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, nhằm giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

K.N