Bộ GD-ĐT trả lời về “lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn SGK”

15/02/2023 - 14:02

Cử tri tỉnh Lâm Đồng mới đây kiến nghị Bộ GD-ĐT làm rõ việc có hay không lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) hiện nay; thay đổi SGK gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhân dân.

Cùng đó, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm trong biên tập, lựa chọn SGK để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, hiện nay, quy trình biên soạn SGK được các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản, bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về SGK. Ngoài ra, thực hiện việc xã hội hóa khâu biên soạn SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn theo quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng SGK từ khâu biên soạn, thẩm định, lựa chọn và sử dụng.

Việc lựa chọn SGK được thực hiện theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, trong đó quy trình lựa chọn SGK được quy định tại Điều 8, các Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh dựa trên kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời báo cáo UBND cấp tỉnh về quá trình lựa chọn và tiếp thu kết quả của các cơ sở.

Như vậy, theo Bộ GD-ĐT, các quy định của Thông tư bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch trong quá trình lựa chọn SGK.

Bộ GD-ĐT cho hay, trong năm qua, thanh kiểm tra 14 tỉnh, thành phố, kết quả cho thấy các cơ sở phổ thông và Hội đồng lựa chọn SGK đã thực hiện việc lựa chọn đúng quy định, kết quả lựa chọn của các Hội đồng môn học trùng với kết quả lựa chọn của các cơ sở. 

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra địa phương trong việc lựa chọn SGK, phát hiện những vướng mắc và xử lý các tiêu cực trong quá trình lựa chọn nếu có.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Cử tri cũng phản ánh việc SGK hiện nay không tái sử dụng được, gây lãng phí, tốn kém cho một bộ phận không nhỏ nhân dân. Điều này gây bức xúc trong nhân dân trong khi nước ta còn là nước nghèo so với thế giới và nhiều nước còn khuyến khích học sinh đi học bằng nhiều hình thức cấp phát sách miễn phí, miễn học phí... Do đó, cử tri đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi.

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK, Bộ đã ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa, tiêu chí đánh giá SGK. Sau đó, phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định và hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở phổ thông. 

Trong đó quy định các cơ sở giáo dục phải “sử dụng hiệu quả SGK đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt trong quá trình dạy và học theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học vẫn còn hiện tượng học sinh ghi chép vào SGK, dẫn đến SGK không tái sử dụng, gây lãng phí.

Nhằm tăng cường quản lý và sử dụng SGK, Bộ đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào để SGK được sử dụng lại lâu bền; bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để các lứa sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Đồng thời, Bộ đã yêu cầu các nhà xuất bản tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; kịp thời in ấn, phát hành, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sách phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh và thực hiện chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Cử tri tỉnh Lâm Đồng cũng có ý kiến về SGK của các cấp học và phân ban đối với THPT hiện nay khi không có sự thống nhất của các bộ sách mà do các trường lựa chọn gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường hoặc từ địa phương này đến địa phương khác. Đồng thời, SGK chỉ sử dụng một lần gây tốn kém cho xã hội; chương trình phân ban ở cấp học THPT dẫn tới có sự mất cân bằng về sĩ số học sinh giữa các ban. Cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu và sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông quy định: "SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học".

Luật Giáo dục 2019 quy định: "SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội".

Như vậy, theo Bộ GD-ĐT vai trò của SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khác so với SGK hiện hành. Các SGK khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình. Việc dạy học và kiểm tra, đánh giá thực hiện theo chương trình.

Về ý kiến chương trình phân ban ở cấp học THPT dẫn tới có sự mất cân bằng về sĩ số học sinh giữa các ban, Bộ GD-ĐT cho hay, với chương trình phân ban, mục tiêu của chương trình giáo dục cấp THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới. 

Vì vậy, chương trình đã xây dựng để học sinh chọn 4 môn học từ nhóm các môn lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường đã xây dựng tổ hợp môn học và các chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện toàn bộ quá trình biên soạn SGK, việc lựa chọn sách của các địa phương trong bối cảnh thực hiện xã hội hóa SGK, xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn bảo đảm sự công tâm, minh bạch.

Theo Vietnamnet

 

Liên kết hữu ích