Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), có nhiều công cụ để điều tiết thị trường xăng dầu nên không nhất định phải duy trì quỹ bình ổn giá bằng mọi giá. Hiện nay, giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Về nguyên tắc, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì Nhà nước sẽ chi quỹ bình ổn giá để bình ổn giá, còn khi giá xăng dầu thấp thì trích lập để dự phòng. Như vậy, vai trò quỹ bình ổn giá chủ yếu giúp giảm "sốc" khi giá dầu thế giới tăng đột biến, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô.
Quỹ bình ổn giá mất tác dụng trước những cơn bão giá, bị đánh giá khiến thị trường xăng dầu vận hành thiếu minh bạch. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, với doanh nghiệp xăng dầu, quỹ này là không cần thiết, gây bất tiện cho hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, quỹ bình ổn giá chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ. Nếu thị trường tăng quá mức, quỹ bình ổn giá không thể điều tiết được, thậm chí rơi vào âm nặng.
"Liệu có nên duy trì quỹ bình ổn giá nữa không? Nên chăng đã đến lúc thay thế quỹ bình ổn giá bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát", PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất và cho hay trường hợp bãi bỏ quỹ bình ổn giá, cơ quan quản lý có thể điều tiết thị trường xăng dầu thông qua công cụ thuế, phí, hay nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia...
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng Nhà nước có thể điều tiết giá xăng dầu thông qua chính sách thuế, phí nhưng về dài hạn thì phải có cơ chế dự trữ quốc gia.
Theo ông Ánh, muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung thì không thể không có dự trữ quốc gia. Hiện nay chúng ta gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày. Nhiệm vụ này do đầu mối cấp 1, tức các nhà nhập khẩu xăng dầu đảm nhiệm. Bên cạnh đó, có một phần dự trữ tại các nhà máy lọc dầu nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu liên quan việc kinh doanh.
“Dự trữ quốc gia về xăng dầu là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng… Vì thế cần xây dựng một chiến lược bài bản”, TS Vũ Đình Ánh nói.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng về bản chất quỹ bình ổn giá là hình thức bắt buộc người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Nhà nước không bỏ nguồn lực nào, quỹ đã được tạm ứng hết vào giá, đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp. Điều này tạo khó khăn rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp, bởi toàn bộ gánh nặng trách nhiệm quỹ bình ổn giá hiện nay doanh nghiệp phải chịu lỗ để gánh khoản âm quỹ.
Do đó theo ông Tuấn, muốn bình ổn, phải có dự trữ, bởi về nguyên tắc, xăng dầu cũng cần tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ quan quản lý, nếu có thể can thiệp điều tiết, bù giá thì chỉ nên dựa vào ngân sách, thông qua việc giảm thu các khoản phí, thuế từ xăng dầu.
"Không chỉ quỹ bình ổn giá mà câu chuyện kinh doanh, hệ thống phân phối, dự trữ xăng dầu…cũng cần xem xét, đánh giá lại để có điều chỉnh tổng thể", ông Tuấn nhận định.
Dự trữ xăng dầu quốc gia quá mỏng
PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng việc dự trữ xăng dầu là tất yếu và cần thiết cho cả Nhà nước cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp mà không có dự trữ thì sẽ không thể ứng phó với những biến động khôn lường về giá cả trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia quá mỏng.
Ông Long cho biết thêm, ở các nước, nguồn dự trữ xăng dầu của họ ít nhất 1-3 tháng, còn ở nước ta dự trữ được 5 - 7 ngày là quá mỏng. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, vừa rồi chúng ta đã có chủ trương xây dựng nhà máy lọc dầu và kho dự trữ ở Vũng Tàu, với kinh phí khoảng gần 2 tỷ USD và làm trong vòng 2 năm. Nhưng theo ông Long, cần phải cân nhắc, tính toán xây dựng kho dự trữ ở mức độ nào là hợp lý, tránh lãng phí không cần thiết.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, ở một số nước, dự trữ xăng dầu lên tới hàng chục triệu lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu thấp, họ mua vào để dự trữ, khi giá cao, họ lấy nguồn dự trữ ra để bình ổn giá. Nguồn dự trữ xăng dầu của họ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường từ 3-6 tháng. Trong khi đó nguồn xăng dầu dự trữ ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5 ngày là quá thấp.
“Việc xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu phải được đầu tư và làm nhanh nhất có thể. Theo tôi, Nhà nước phải xây các kho lưu trữ để có thể phục vụ nhu cầu thị trường trong vòng 3 - 6 tháng. Nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới”, ông Phú nói.
Tuy vậy, theo TS Vũ Đình Ánh, việc tăng dự trữ xăng dầu không hề đơn giản. Muốn có dự trữ chiến lược chúng ta phải có hệ thống kho bãi và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chứ không phải muốn trữ ở đâu thì trữ được, vì xăng dầu cực kỳ nguy hiểm.
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cơ cấu dự trữ xăng dầu hiện nay gồm 3 nguồn, đó là dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Cụ thể, dự trữ sản xuất đến từ 2 nhà máy lọc dầu (Nghi Sơn và Dung Quất), dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.
Thực tế hiện nay, nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia của Việt Nam so với các nước khác như Mỹ hoặc Nhật Bản còn mỏng. Vì vậy, để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.
Theo VTC