Để bảo đảm ổn định thanh khoản thị trường, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, triển khai các giải pháp cụ thể để ổn định và phát triển thị trường TPDN.
Điều quan trọng nhất lúc này là duy trì thanh khoản, lấy lại niềm tin
Theo ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc của VNDirect, nút thắt lớn nhất hiện đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp bởi các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị tắc. Trong khi đó, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu gần đây rất khó khăn.
“Kênh trái phiếu quý IV/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới, đặc biệt sau vài sự kiện xảy ra cũng như điều chỉnh của Nghị định 65 dẫn đến kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bị ách tắc”, ông Nguyễn Vũ Long cho biết.
Trong ngắn hạn, điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ tín dụng ngân hàng nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.
Theo lãnh đạo VNDirect, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường rất quan trọng. Một số sự việc xảy ra thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư do đó trong dài hạn cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn. Đây chỉ là những “con sâu”, là một phần trên thị trường chứ không phải bức tranh của toàn bộ thị trường TPDN.
Dưới góc độ là doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các đầu tư, đây không phải trách nhiệm của Nhà nước. “Dòng tiền của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng vẫn phải xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về mà thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy, niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển được”, ông Lê Quốc Bình cho biết.
Hỗ trợ giải quyết hồ sơ pháp lý cho dự án bất động sản
Ông Lê Quốc Bình kiến nghị: Các hỗ trợ cho doanh nghiệp lúc này không phải bằng tiền mà tháo gỡ khó khăn các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh để các sản phẩm dự án bất động sản có thể sớm ra thị trường để bán được với giá rẻ và thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ gốc, trả lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư trái phiếu đúng hạn.
“Công ty luôn xác định việc thực hiện cam kết về trái phiếu cho các nhà đầu tư là rất quan trọng nhằm giữ chữ tín của doanh nghiệp thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu riêng. Trước 6 tháng - trước ngày đến hạn, chúng tôi phải thực hiện đồng loạt tất cả các giải pháp để đảm bảo rằng đến ngày trái phiếu đến hạn có đủ nguồn để thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu các nhà đầu tư”, ông Lê Quốc Bình chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian qua TTCK và TPDN đã có nhiều biến động, niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu và cổ phiếu đang rất thấp. Chỉ số VN-Index đã mất khoảng 600 điểm (38%) so với đầu năm 2022, nhiều cổ phiếu mất đến 70% giá trị, thanh khoản hạn chế, nợ toàn thị trường hiện là 1 triệu 260 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại.
Theo Bộ trưởng từ nay đến cuối năm, thị trường TPDN phải đáo hạn hơn 53 ngàn tỷ đồng; trong đó, bất động sản chiếm 39%, doanh nghiệp sản xuất khác 19%... Sang năm 2023 số lượng TPDN phải đáo hạn là 284 ngàn tỷ đồng, năm 2024 đáo hạn 363 ngàn tỷ đồng.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc một số doanh nghiệp có sai phạm và bị xử lý, cùng với các tin đồn đã dẫn đến tâm lý các nhà đầu tư rút tiền dẫn đến thanh khoản khó khăn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp, “chia sẻ” rất hiệu quả gánh nặng cho kênh tín dụng ngân hàng và hiện vẫn khá tiềm năng.
“Trên cơ sở các kiến nghị của các doanh nghiệp công ty chứng khoán thì sẽ tổng hợp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ để đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để làm sao mà củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững. Bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư để các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường và thị trường trong thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, giúp cho các doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Đánh giá lại hạn mức tăng trưởng tín dụng
Về hoạt động quản lý giám sát, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tiến hành tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc vi phạm lớn và sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra từ nay đến cuối năm. Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng phối hợp về tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các TCTD và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.
Đáng lưu ý, về tình hình đáo hạn và khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm là 56 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 282 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là 363 nghìn tỷ đồng. Trong số trái phiếu đáo hạn này, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản là 21,4 nghìn tỷ đồng, nhưng có tới 99,6% là có tài sản bảo đảm. Các TCTD chỉ có 15,6 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp sản xuất là 10,6 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2023, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản là 119,1 nghìn tỷ đồng, các TCTD là 57,5 nghìn tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Trước mắt, để bảo đảm ổn định thanh khoản thị trường, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, triển khai các giải pháp cụ thể để ổn định và phát triển thị trường TPDN. Một trong các giải pháp cần làm tốt hơn nữa chính là tiếp tục triển khai các giải pháp truyền thông để ổn định tâm lý thị trường, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư. Theo đó, cần tuyên truyền rõ TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng, việc phát hành, đầu tư TPDN phải theo nguyên tắc tự vay, tự trả.
Bên cạnh việc điều hành bảo đảm thanh khoản của hệ thống NHTM, NHNN cần tập trung triển khai đánh giá lại hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế; đảm bảo cân đối giữa tăng trưởng và mặt bằng lạm phát, đặc biệt là cần xem xét việc tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản có chọn lọc đối với người mua nhà và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, để bảo đảm thanh khoản thị trường, cung ứng vốn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp phát hành cũng kiến nghị các địa phương rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện. Có như vậy, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng mới có điều kiện sớm triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường, tháo gỡ nút thắt giải phóng sản phẩm, khơi thông dòng tiền.
Bô Tài chính sẽ rà soát khung pháp lý, sửa đổi Luật Chứng khoán, kể cả những Nghị định mà Chính phủ mới ban hành là Nghị định 65; đồng thời có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh phù hợp giúp cho thị trường tiếp tục ổn định và phát triển.
Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)