Bố trí vốn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các địa phương bị sạt lở

23/10/2023 - 18:47

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai nhận được báo cáo của 33 tỉnh, trong đó trừ Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, các tỉnh còn lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ 15.312 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 23/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp với các bộ, ngành về việc bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho các dự án sạt lở do thiên tai ở các địa phương phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng, miền, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển làm 149 người chết, mất tích, 118 người bị thương; làm sập 888 ngôi nhà, 14.278 nhà hư hỏng, tốc mái; trên 147 nghìn ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại, 3.499ha nuôi trồng thủy sản, 103 lồng bè bị thiệt hại; 100,14km đê, kè, kênh mương bị sạt lở.

Tổng thiệt hại ước tính trên 6.807 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do mưa lũ tại khu vực miền Trung).

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai đã nhận được báo cáo của 33 tỉnh (14 tỉnh miền núi phía Bắc; hai tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ: Nam Định, Ninh Bình; 5 tỉnh Tây Nguyên, 12 tỉnh miền Trung), trong đó các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định có báo cáo nhưng không đề nghị hỗ trợ.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh còn lại đã có văn bản báo cáo về thiệt hại, nhu cầu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ 15.312 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, khắc phục khẩn cấp sạt lở.

5 tỉnh (10 tỉnh miền núi phía Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên) đề nghị hỗ trợ 2.133 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu. 7 tỉnh (4 tỉnh miền núi phía Bắc, một tỉnh Tây Nguyên và hai tỉnh miền Trung) đề nghị hỗ trợ 556,2 tỷ đồng để di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai. 28 tỉnh đề nghị hỗ trợ 12.623 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp sạt lở.

Căn cứ văn bản đề nghị của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, tình hình thiên tai và công tác khắc phục hậu quả; kết quả khảo sát thực địa của đoàn công tác liên ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai tổng hợp báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 5.005 tỷ đồng cho 30 tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở thời gian vừa qua và di dời dân cư khẩn cấp vùng thiên tai.

Mưa lớn làm sạt lở trên Quốc lộ 4D đoạn qua phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong đó, hỗ trợ 13 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 1.135 tỷ đồng, hỗ trợ 25 tỉnh khắc phục khẩn cấp sạt lở với tổng kinh phí 3.375 tỷ đồng, hỗ trợ 7 tỉnh di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai với tổng kinh phí là 495 tỷ đồng.

“Tổng kinh phí Chính phủ cho phép là 6.000 tỷ đồng, Ban Chỉ đạo đề xuất hơn 5.000 tỷ đồng, số gần 1.000 tỷ đồng còn lại để dự phòng, từ nay đến cuối năm thiên tai còn rất phức tạp,” ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng việc khắc phục hậu quả Phòng, Chống Thiên tai là vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải quyết định kịp thời.

Dẫn chiếu các quy định của Luật Phòng, Chống Thiên tai, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai đã tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế, đồng thời tổng hợp nhu cầu của các địa phương, báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trao đổi một số nội dung liên quan đến quy định sử dụng nguồn kinh phí, danh mục dự án đề xuất hỗ trợ…

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm cùng với địa phương khắc phục hậu quả thiên tai để bảo đảm đời sống nhân dân.

Khắc phục hậu quả thiên tai phải làm nhanh, để chậm không có ý nghĩa và không giải quyết nhu cầu thực tế, thậm chí còn để lại hậu quả nặng nề hơn.

“Tinh thần chặt chẽ, đúng quy định, nhưng phải nhanh, thiết thực,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đánh giá cao ba địa phương là Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định có bị ảnh hưởng của thiên tai nhưng không đề xuất Trung ương hỗ trợ mà sử dụng ngân sách địa phương để khắc phục.

Đối với 30 địa phương đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải chịu trách nhiệm về số liệu, nội dung, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, bảo đảm sử dụng đúng quy định.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai rà soát lại nội dung trình, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ ngành, địa phương thống nhất danh mục, đảm bảo đúng đối tượng; sử dụng nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật…

Chậm nhất ngày 27/10 phải hoàn thiện tờ trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định./.

Theo CHU THANH VÂN (TTXVN/Vietnam+)