Bộ TT&TT hướng dẫn thực hiện các quy định mới về dịch vụ phát thanh, truyền hình

07/07/2023 - 09:10

Các chính sách mới trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được Chính phủ quy định tại Nghị định 71, sẽ đi vào cuộc sống khi Bộ TT&TT kịp thời ban hành 2 thông tư hướng dẫn.

Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 năm 2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được Bộ TT&TT tham mưu Chính phủ ban hành vào tháng 10/2022. Có hiệu lực thi hành từ năm nay, Nghị định sẽ đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. 

Với tinh thần quản lý lĩnh vực phát thanh, truyền hình trên cùng một mặt bằng pháp lý, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, Nghị định 71 có nhiều điểm mới.

Cụ thể như, cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet được cung cấp dịch vụ theo yêu cầu độc lập, không phải cung cấp kênh chương trình; cho phép doanh nghiệp được chủ động biên tập, phân loại, cảnh báo phim theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ VHTT&DL và chương trình thể thao, giải trí theo hướng dẫn của Bộ TT&TT…

Để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, hướng dẫn thực hiện các chính sách mới quy định tại Nghị định 71, Bộ TT&TT vừa ban hành 2 thông tư gồm: Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19 năm 2016 quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định 06 năm 2016; Thông tư 06 hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh truyền hình. Cả 2 Thông tư mới này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8.

Hai Thông tư 05 và 06 của Bộ TT&TT hướng dẫn về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được giới thiệu tới báo chí tại buổi họp báo chiều ngày 5/7. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trong thông tin cung cấp tới báo chí tại họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ TT&TT và chiều ngày 5/7, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, Thông tư 05 được ban hành để hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện hồ sơ cấp phép, cấp Giấy chứng nhận; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ quản lý dữ liệu và báo cáo nghiệp vụ về dữ liệu nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, nội dung quảng cáo và tỷ lệ thuê bao xem kênh chương trình thiết yếu quốc gia phục vụ công tác quản lý của Bộ TT&TT.

Theo đó, so với Thông tư 19 năm 2016, Thông tư 05 mới ban hành đã sửa đổi 7 biểu mẫu và bổ sung 4 biểu mẫu, nhằm đảm bảo phù hợp với công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ.

Bên cạnh các biểu mẫu, Thông tư 05 của Bộ TT&TT cũng bổ sung quy định chế độ báo cáo về nội dung trên dịch vụ của doanh nghiệp và chế độ báo cáo về hoạt động sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu của các cơ quan báo chí. Yêu cầu này thống nhất với quy định tại Thông tư 02 ngày 21/3/2023 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.

Với Thông tư 06, Cục PTTH&TTĐT nêu rõ, Thông tư được ban hành để các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình, các đơn vị có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình có cơ sở pháp lý thực hiện trong quá trình hoạt động.

Hai thông tư mới của Bộ TT&TT về lĩnh vực phát thanh, truyền hình cùng có hiệu lực vào ngày 15/8/2023. (Ảnh minh họa: Internet)

Đặc biệt, Thông tư 06 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình được chủ động trong việc tổ chức nguồn lực, quyết định phương thức phù hợp trong hoạt động biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo yêu cầu - VOD là các chương trình thể thao, giải trí, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và thuận lợi trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát được nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả và phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi.

Đồng thời, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước về phát thanh truyền hình bao gồm cả nội dung và dịch vụ, từ đó hạn chế được những tác động tiêu cực mà nội dung chương trình có thể gây ra cho xã hội và người nghe, người xem.

Cụ thể, về nguyên tắc biên tập, Thông tư 06 quy định các nguyên tắc chung để các đơn vị lưu ý thực hiện như: bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác; những loại nội dung, tình huống, phải loại bỏ trong chương trình.

Thông tư 06 cũng có hướng dẫn nguyên tắc biên tập với từng loại chương trình, gồm: chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau và chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện; các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục và trò chơi điện tử trực tuyến.

Cùng với đó, Thông tư 06 còn hướng dẫn cụ thể về các nguyên tắc phân loại, cảnh báo nội dung phát thanh truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu.

Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm có thể xem nội dung chi tiết Thông tư 05, Thông tư 06 mới được Bộ TT&TT ban hành trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ mic.gov.vn hoặc website abei.gov.vn của Cục PHTT&TTĐT.

Theo Vietnamnet