Bộ TT&TT mạnh tay ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo

02/11/2023 - 09:13

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp viễn thông để triển khai nhiều giải pháp khác nhau nhằm ngăn chặn vấn nạn cuộc gọi lừa đảo hoành hành.

Theo ghi nhận từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 đã tiếp nhận hơn 570.000 lượt phản ánh từ người dân. Trong đó, có hơn 104.000 phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo.

Giả mạo cơ quan chức năng, doanh nghiệp để lừa đảo

Trong suốt một khoảng thời gian dài, nhiều người dân đã bày tỏ bức xúc khi thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác không mong muốn với nội dung vay tiền, giới thiệu sản phẩm, thậm chí còn liên quan đến mại dâm.

Cuộc gọi lừa đảo từng là nỗi ám ảnh với nhiều người (Ảnh: Thế Anh).

Theo các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), kẻ gian có thể sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo. Mục đích của chúng là đánh cắp thông tin cá nhân người dùng. Sau đó, những thông tin này có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Trước đây, các đối tượng lừa đảo đã nhiều lần mạo danh cơ quan chức năng. Từ đầu năm 2021, kẻ gian đã giả danh công an và thực hiện hành vi lừa đảo với kịch bản "thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng" hoặc "đang bị điều tra liên quan đến một vụ án nghiêm trọng".

Giữa tháng 11/2022, nhiều người dân phản ánh rằng họ đã nhận được một số cuộc gọi tự xưng đến từ "Cục viễn thông". Những cuộc gọi này nhằm đe dọa nạn nhân, sau đó sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn để chiếm đoạt.

Bên cạnh các cuộc gọi lừa đảo, nhiều người cũng bị làm phiền bởi các tin nhắn rác, bán SIM số đẹp hay mời chào cho vay. Gần đây, người dân còn nhận được những cuộc gọi lừa đảo tuyển dụng nhân viên xem video trên TikTok, YouTube.

Những lời mời "việc nhẹ lương cao" này là chiêu trò mà các đối tượng thường xuyên sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Điểm chung của chúng là mời làm việc để có thêm thu nhập với công việc rất đơn giản như chia sẻ nội dung trên nền tảng TikTok hoặc ấn theo dõi, thả tim các video.

Kẻ gian thường giả mạo doanh nghiệp, cơ quan chức năng để thực hiện hành vi lừa đảo (Ảnh: Bộ TT&TT).

Với lời hứa có thể dễ dàng kiếm được từ 200.000-400.000 đồng/ngày, các đối tượng sẽ tạo niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương đầy đủ trong thời gian đầu. Sau đó, nạn nhân cần phải nâng cấp nhiệm vụ để nâng mức lương. Từ đây, các đối tượng sẽ thao túng nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Chưa dừng lại, nhiều người còn bị đe dọa, xúc phạm khi từ chối yêu cầu của những cuộc gọi rác. Trong cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 7, Bộ TT&TT cũng cho biết đã ghi nhận về tình trạng này.

Bộ TT&TT mạnh tay ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo

Trên cơ sở phản ánh này, những đơn vị của Bộ TT&TT gồm Cục Viễn thông, Cục ATTT và các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30.000 phản ánh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.

Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác. 

Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông chặn, khóa 31.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 291 triệu tin nhắn rác đã bị chặn.

Số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gọi đến người dân đều sẽ hiển thị tên định danh "BO TTTT" (Ảnh: Thế Anh).

Gần đây nhất, Lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho số điện thoại là số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT…

Theo đó, từ ngày 27/10, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gọi đến người dân đều sẽ hiển thị tên định danh "BO TTTT". Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng.

Giải pháp này cũng sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT&TT là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Theo Dân Trí