Bộ TT&TT phát hành bộ tem thứ hai về bảo vật quốc gia

01/08/2021 - 15:14

Bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 2): Đồ vàng” vừa được Bộ TT&TT chính thức phát hành ngày 31-7-2021. Các bộ tem thượng thặng đã được bán hết ngay trong ngày phát hành.

Quảng bá giá trị bảo vật quốc gia qua tem bưu chính

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

Bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt.

Nhằm góp phần quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, Bộ TT&TT đã quyết định phát hành chuỗi tem về chủ đề bảo vật quốc gia Việt Nam.

Bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 2): Đồ vàng” gồm 4 mẫu, do họa sĩ Nguyễn Du thiết kế

Ngày 31/7/2021, bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 2): Đồ vàng” đã được chính thức phát hành. Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, có khuôn khổ 37 x 37 mm, gồm 4 mẫu: Mẫu 1 về Ấn Sắc mệnh chi bảo (niên đại năm Minh Mệnh thứ 8 - 1827); Mẫu 2 về Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” (niên đại Năm Vĩnh Thịnh thứ 5 - 1709); Mẫu 3 về Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (niên đại thế kỷ XIV – thời Trần); Mẫu 4 về Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (niên đại thế kỷ VII-VIII).

Giá mặt của 4 mẫu tem lần lượt là 4.000 đồng, 4.000 đồng, 6.000 đồng và 12.000 đồng. Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới bưu chính đến ngày 30/6/2023.

Hình ảnh các bảo vật đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Quảng Ninh và Bảo tàng Nghệ An cung cấp và cho phép sử dụng để giới thiệu trên tem bưu chính.

Được biết, trước đó, năm 2018, Bộ TT&TT đã phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1): Đồ đồng”. Bộ tem do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế, gồm 4 mẫu tem giới thiệu các bảo vật: Bộ khóa đai lưng bằng đồng (được trưng bày tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); Thạp đồng Hợp Minh (được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái); Kiếm ngắn Núi Nưa (được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa); Cây đèn đồng hình người quỳ (được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Theo dự kiến ban đầu, bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 2) có chủ đề về đồ gốm, phát hành ngày 5/3/2020. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Công ty Tem Bưu chính, vì năm 2020, Bộ TT&TT đã phát hành bộ tem "Văn hóa Óc Eo" có hình ảnh tương đồng như bộ tem "Đồ gốm" nên Bộ TT&TT đã quyết định thay đổi từ đồ gốm thành đồ vàng.

Có thể nói, các bộ tem bưu chính đã và đang là một kênh truyền thông hữu hiệu, góp phần quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Bộ tem thượng thặng tiếp tục “hút khách”

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện Công ty Tem Bưu chính cho biết: Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm tem, phục vụ sưu tầm của các nhà sưu tập, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã đề xuất Bộ TT&TT phát hành bộ tem thượng thặng, cũng gồm 4 mẫu tem nhưng khuôn khổ 75 x 105 mm.

Bộ tem được in trên chất liệu giấy White-Silk, có hình ảnh chống giả in bằng mực không màu góc trên bên phải. Hình ảnh bảo vật quốc gia trên tem được thúc nổi, phủ UV trên con tem. Xung quanh bo in nhũ bạc. Và đặc biệt là có họa tiết chìm sử dụng hoa văn thời Trần.

Bộ tem thượng thặng tiếp tục được giới sưu tập đánh giá cao

Số lượng phát hành hạn chế chỉ 400 bộ, trong đó, 340 bộ cung cấp ra thị trường, và 60 bộ lưu trữ, tuyên truyền, nghiệp vụ.

Ngay từ khi bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1) được phát hành, các bộ tem thượng thặng đã nhận được sự đánh giá cao của giới sưu tập tem.

Và lần này, bộ tem thượng thặng tiếp tục hút khách. “Tính đến chiều 31/7, chúng tôi đã bán hết số lượng tem thượng thặng”, đại diện Công ty Tem Bưu chính trao đổi với VietNamNet.

Theo BÌNH MINH (Vietnamnet)