Bóng đá cộng đồng ngày càng phát triển

08/01/2024 - 06:30

 - Phong trào luyện tập thể dục - thể thao, nhất là môn bóng đá trên địa bàn tỉnh An Giang đã và đang phát triển, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích giúp người dân rèn luyện sức khỏe, gắn kết cộng đồng, mà còn là cơ hội để ngành thể thao tìm kiếm, phát hiện và đào tạo nguồn tài năng cho bóng đá tỉnh.

Môn thể thao “vua” thu hút đông đảo thành phần, lứa tuổi tham gia. Không khó để bắt gặp hình ảnh họ luyện tập, thi đấu ở khắp các địa phương trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn. Anh Bùi Văn Long (nhân viên văn phòng huyện Châu Thành) cùng đồng nghiệp thành lập đội bóng đá cộng đồng. Sau thời gian làm việc, sân bóng đá luôn là điểm hẹn thường xuyên của đội bóng.

Anh Long cho biết, khoảng 2 - 3 buổi trong tuần, họ tổ chức đá bóng giao lưu. “Đội bóng của chúng tôi có nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, nhưng đều chung tình yêu bóng đá. Luyện tập môn thể thao này không những giúp chúng tôi rèn luyện sức khỏe, giảm stress sau giờ làm việc, mà còn nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong đội” - anh Long chia sẻ.

Tại xã Kiến Thành (huyện Chợ Mới), thời gian qua, môn “bóng đá” đã trở thành “món ăn tinh thần” của người dân địa phương. Có mặt tại sân bóng đá Trịnh Trọng vào mỗi buổi chiều, mới thấy được niềm đam mê của người dân với “trái bóng tròn”.

Anh Phan Bá An thường xuyên đến sân bóng luyện tập, thi đấu. Đều có công việc riêng, nhưng họ vẫn luôn dành thời gian để đến sân luyện tập, thi đấu. Các “cầu thủ” xem đây là món ăn tinh thần, giúp công việc ngày càng tốt hơn. Hoạt động này còn giúp gắn kết mọi người lại với nhau.

Phong trào luyện tập môn thể thao “vua” ngày càng phát triển

Được biết, để nâng cao đời sống tinh thần người dân, thời gian qua, UBND, đoàn thể xã Kiến Thành đã có nhiều biện pháp thúc đẩy người dân luyện tập thể dục - thể thao, trong đó có môn bóng đá. Địa phương duy trì tổ chức nhiều giải đấu, điển hình như: Giải bóng đá công nhân viên chức - lao động, giải bóng đá học sinh; giải bóng đá nông dân; giải bóng đá thiện nguyện; giải bóng đá U15, U17… Qua các giải đấu, nhiều vận động viên có năng khiếu, tố chất được phát hiện, bổ sung nguồn lực cho bóng đá địa phương.

Tại sân bóng đá Nhà thiếu nhi tỉnh, không khí tập luyện, thi đấu giao hữu giữa các câu lạc bộ bóng đá phong trào luôn diễn ra sôi nổi, hào hứng, thu hút nhiều người tham gia. Anh Nguyễn Thanh Sơn (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi chơi bóng đá hơn 10 năm. Các thành viên trong đội khoảng 15 người, đến từ cơ quan, đơn vị khác nhau, nhưng chung niềm đam mê. Hàng tuần, các thành viên bố trí, sắp xếp công việc để cùng tập luyện, thi đấu giao lưu, xem đây như là món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần nâng cao sức khỏe”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sân bóng đá, bao gồm sân bóng đá được làm bằng cỏ nhân tạo. Các sân bóng đá được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng và tổ chức kinh doanh. Hầu hết sân được xây dựng đảm bảo chất lượng: Mặt sân được lót bằng cỏ nhân tạo, có lưới cước bao xung quanh, hệ thống thoát nước và hệ thống đèn cao áp chiếu sáng phục vụ đá bóng buổi tối. Điều đáng ghi nhận là các sân bóng này giải quyết được bài toán khó về sân chơi thể thao tại địa phương.

Cùng với việc xây dựng sân bóng đá, nhiều giải đấu được cá nhân, đơn vị, câu lạc bộ… tổ chức thường xuyên. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn thành lập câu lạc bộ bóng đá với dàn cầu thủ chất lượng, tham gia thi đấu tại giải bóng đá trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, phong trào bóng đá ngày càng khởi sắc, số lượng người tham gia tập luyện, thi đấu thường xuyên tăng lên theo từng năm.

Có thể thấy, bóng đá phong trào của tỉnh đang ngày càng lớn mạnh, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao, cho đến việc phát triển câu lạc bộ, tổ chức giải đấu… Đây là tín hiệu vui đối với nền bóng đá của tỉnh.

MINH ĐỨC