Sân vận động xã Khánh Hòa ngày cuối tuần nhộn nhịp hẳn lên. Mặt cỏ tự nhiên trở nên xanh mướt mắt dưới ánh nắng sớm mai. Tiếng chân giẫm bình bịch trên thảm cỏ, tiếng người cười nói, hò hét vang vọng khuấy động không gian tĩnh lặng của vùng quê xứ cù lao.
Với người dân Khánh Hòa, bóng đá trở thành hoạt động thể thao truyền thống trải dài mấy chục năm qua. Cũng trên mặt cỏ tự nhiên này, đã có 2-3 thế hệ người địa phương đam mê bóng đá đến đây tranh tài. Những cầu thủ đầu tiên khởi phát phong trào giờ đây ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Hiện nay, lứa trẻ vẫn đến sân bóng vào buổi chiều hàng ngày. Riêng dịp cuối tuần thì đông đảo, hào hứng hơn với sự có mặt của lực lượng cán bộ, công chức địa phương và các đội bóng từ nơi khác đến giao lưu.
Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Khánh Hòa Phan Thị Cẩm nhớ lại: “Phong trào bóng đá ở Khánh Hòa phát triển mạnh từ thế hệ cha, chú chúng tôi đến giờ. Lúc trước, địa phương thường có giải đấu phong trào hoặc tổ chức giao hữu với các địa phương lân cận. Mỗi khi tổ chức giải, người dân kéo đến sân cổ vũ rất đông, không khí hào hứng lắm. Bây giờ, nối tiếp truyền thống đó, Công đoàn cơ sở xã Khánh Hòa phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức giao lưu bóng đá vào dịp cuối tuần để anh em tham gia”.
Sân chơi bóng đá ngày cuối tuần ở xã Khánh Hòa thu hút đông đảo cầu thủ phong trào tham gia
Theo bà Phan Thị Cẩm, từ ngày có sân chơi này, cán bộ, công chức địa phương tham gia rất nhiệt tình. Họ đến đây để thỏa mãn niềm đam mê cùng quả bóng tròn, để tăng cường tình đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài sân cỏ, họ có thể giữ chức danh, chức vụ khác nhau, nhưng khi vào sân thì tất cả cùng một màu áo, cùng thi đấu với mục tiêu vui, khỏe và thắt chặt tình đoàn kết.
Từ sự nhiệt tình của các cầu thủ phong trào, Công đoàn cơ sở xã Khánh Hòa sẽ tiếp tục vận động mọi người tích cực tham gia hoạt động thể thao bổ ích này. Cùng với đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức giải bóng đá giao hữu, tạo sân chơi bổ ích cho công đoàn viên khi có điều kiện.
Từ thị trấn Cái Dầu đến xã Khánh Hòa giao lưu bóng đá, Đội bóng mắt kính Đăng Khoa đã có chuyến đi bổ ích, thắm tình đoàn kết. Ông Lâm Đăng Khoa (đại điện đội bóng) chia sẻ: “Chúng tôi đã chơi bóng đá cùng nhau trên 10 năm. Anh em làm nhiều việc khác nhau, nhưng tất cả đều có tình yêu cuồng nhiệt với môn thể thao "vua".
Do đó, chúng tôi luôn cố gắng kết nối, tổ chức hoạt động giao lưu bóng đá với các câu lạc bộ, địa phương trong và ngoài tỉnh. Đảng ủy, UBND xã Khánh Hòa tạo điều kiện đến đây giao lưu, mở ra cơ hội cho chúng tôi có thêm những người bạn mới cùng niềm đam mê”.
Trước đây, Đội bóng đá mắt kính Đăng Khoa từng ra tận tỉnh Bình Thuận hay xuống tới tỉnh Bạc Liêu, rồi qua tỉnh Đồng Tháp để kết nối đam mê. Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, môi trường bóng đá phong trào ở An Giang vẫn sôi nổi nhất, với sự nhiệt tình của các đội bóng phong trào khắp nơi trong tỉnh. Dự kiến, thành viên trong đội bóng sẽ tổ chức giao lưu bóng đá 3-4 trận/tháng vào dịp cuối tuần, để hoạt động này ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Nhễ nhại mồ hồi sau khi kết thúc hiệp đấu, trung tá Nguyễn Văn Hùng (Trưởng Công an xã Khánh Hòa) hào hứng: “Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Khánh Hòa thi đấu hết mình với mục tiêu vui, khỏe, cùng nhau rèn luyện thân thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Không chỉ có hôm nay, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường tham gia chơi bóng đá dịp cuối tuần và luôn thi đấu rất nhiệt tình, góp phần xây dựng phong trào hào hứng, hấp dẫn tại địa phương”.
Khi tổ chức thường xuyên sân chơi bóng đá dịp cuối tuần, xã Khánh Hòa đã xây dựng được phong trào khá sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là thanh, thiếu niên địa phương. Đây là cách làm hiệu quả cần được nhân rộng, nhằm kiến tạo sân chơi bổ ích, vận động mọi người tham gia thể dục - thể thao, tạo nên phong trào rộng khắp trong nhân dân.
THANH TIẾN