Bóng rổ “hồi sinh”

11/02/2025 - 07:45

 - Từng là môn thể thao thế mạnh của tỉnh An Giang trong quá khứ, nhưng bóng rổ dần rơi vào thoái trào bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của những người đam mê, sự quan tâm của ngành thể thao các địa phương, bóng rổ đã “hồi sinh” mạnh mẽ, được giới trẻ trong tỉnh ngày càng yêu thích.

Bóng rổ ngày càng được các bạn trẻ yêu thích

Thời "hoàng kim"

Là người gắn bó với môn bóng rổ gần 40 năm, ông Nguyễn Bé Tâm (ngụ TP. Long Xuyên) vẫn còn nhớ mãi thời kỳ “hoàng kim” của môn thể thao này. Khi ấy, bóng rổ thu hút lượng khán giả đông đảo, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân vào thập niên 90 của thế kỷ trước. “Ngày còn trẻ, tôi đã bị cuốn hút bởi môn bóng rổ. Tôi cùng những người bạn, như: Võ Hoàng Tân, Trần Anh Kiệt, Tấn An… khoác áo đội bóng rổ TX. Long Xuyên tham dự giải hạng Nhất, hạng Nhì quốc gia. So về thành tích, bóng rổ An Giang thời gian đó thuộc tốp đầu khu vực ĐBSCL, không kém cạnh đội bóng đến từ TP. Hồ Chí Minh hay những vùng miền khác trên cả nước” – ông Nguyễn Bé Tâm nhớ lại.

Cũng từng là cầu thủ gắn bó với môn bóng rổ từ thập niên 80, ông Lưu Huê Minh (ngụ TP. Châu Đốc) nhớ như in thời điểm đội bóng rổ nam, nữ của thị xã thi đấu chuyên nghiệp, gặt hái rất nhiều thành công ở khu vực ĐBSCL. Phong trào bóng rổ tại Châu Đốc phát triển rất mạnh, chủ yếu là trong cộng đồng người Hoa. Hàng ngày, thành viên đội bóng tham gia tập luyện, thi đấu trên sân chuyên dụng (đặt trước UBND phường Châu Phú A hiện nay), thu hút rất đông người dân đến xem.

Ngoài ông Minh, những vận động viên bóng rổ ở TX. Châu Đốc giai đoạn đó vẫn còn đam mê môn thể thao này cho đến bây giờ. Tiêu biểu có bà Vương Kim Phượng (thành viên đội bóng rổ nữ Châu Đốc giai đoạn 1982 - 1995) với những ngày tháng tung hoành khắp các sân bóng rổ ở miền Tây. Bà Phượng mang áo số 5, người em Vương Kim Thu mang áo số 11. Cả 2 đều là tiền đạo chủ lực ghi điểm nhiều nhất trong các trận đấu, khiến đối thủ phải nể mặt. Tuy nhiên, bóng rổ dần lụi tàn theo quá trình giải nghệ của vận động viên kỳ cựu và sự phát triển mạnh mẽ của môn thể thao khác trong đời sống của người dân.

Các địa phương tích cực xây dựng, phát triển trong trào bóng rổ

“Hồi sinh” phong trào

Những vận động viên bóng rổ một thời của An Giang vẫn giữ trọn niềm đam mê. Ông Nguyễn Bé Tâm hiện đang giảng dạy lớp năng khiếu cho học sinh tại Nhà Thiếu nhi An Giang vào dịp hè. Mỗi lớp học có khoảng 20 học viên, ông Tâm say sưa hướng dẫn kỹ thuật cơ bản của bóng rổ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa đặt những viên gạch đầu tiên cho niềm đam mê của các em.

Ông Tâm cho hay, khi học được môn bóng rổ thì nó sẽ “ăn vào máu”, trở thành niềm đam mê khó bỏ. Ngoài ra, còn phải kể đến sự ủng hộ của phụ huynh trong việc cho con em tiếp cận môn thể thao này. Bóng rổ giúp các em phát triển thể chất một cách toàn diện, bởi tính nhanh nhạy, quyết đoán cũng như tăng cường thể lực trong quá trình tập luyện, thi đấu. Ngoài ra, việc chơi bóng rổ sẽ giúp các em tránh xa những thú vui tiêu cực - điều mà hầu hết phụ huynh mong muốn.

Ngoài nỗ lực của những người đam mê, ngành thể thao các địa phương cũng tạo điều kiện để môn bóng rổ phát triển. Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc Nguyễn Đức Linh, hiện nay, đều đặn vào các ngày trong tuần, Nhà Thi đấu đa năng TP. Châu Đốc trở nên rất sôi động bởi không khí tập luyện của cầu thủ phong trào trong Câu lạc bộ bóng rổ Châu Đốc. Nhờ tính hấp dẫn sẵn có, câu lạc bộ thu hút khoảng 40 – 50 thành viên tham gia, chủ yếu là học sinh trường THPT trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Đức Linh cũng cho hay, huấn luyện viên bóng rổ đang cộng tác với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh Châu Đốc từng tham gia thi đấu ở sân chơi chuyên nghiệp, có đủ trình độ để hướng dẫn bạn trẻ về kỹ năng, kinh nghiệm thi đấu bài bản, chiến thuật mới của bóng rổ hiện đại. Qua đó, giúp đào tạo nguồn cầu thủ phong trào chất lượng cho thành phố trong tương lai. Trên mặt sân thi đấu đạt chuẩn quốc gia của Nhà thi đấu đa năng TP. Châu Đốc, các bạn trẻ có thể tiếp cận với điều kiện tập luyện tốt nhất, thoải mái thể hiện khả năng của mình.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tạo điều kiện, kết nối với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức giải bóng rổ giao hữu. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ vận động viên nòng cốt, xây dựng đội bóng rổ chất lượng cao, hình thành thế mạnh ở môn bóng rổ cho TP. Châu Đốc ở sân chơi phong trào.

THANH TIẾN