Bóng rối- vở kịch táo bạo về con người và 'cuộc chiến' được sống là chính mình

18/11/2023 - 19:24

Vở kịch 'Bóng rối' của Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt khán giả với những phá cách táo bạo.

Vở kịch bắt đầu khi Kiên về nhà sau khi nhận tin bố đột ngột qua đời. Không ai trong gia đình cho Kiên lời giải thích về cái chết của bố. Kiên trách người lớn đã giấu mình, lừa dối mình. Đóng mình trong studio của bố, Kiên lội ngược về quá khứ qua các con rối, truy tìm nguyên nhân cái chết bí ẩn của bố. Những ẩn mật cất giấu trong lòng mỗi người thân dần hé mở cho Kiên nhận ra rằng, không ai trong số họ hạnh phúc, không ai được sống như mình muốn, không ai được thỏa mãn khao khát của tâm hồn…

Cảnh trong Bóng rối

Cảnh trong Bóng rối

Vở kịch "Bóng rối" sở hữu lối dẫn đặc sắc mang hơi thở đương đại, phá vỡ tác kịch truyền thống. Suốt gần 120 phút, tác phẩm "dìu dắt" khán giả một cách mê hoặc đi qua những giây phút nghẹt thở, xót xa rồi sau đó vỡ òa và mỉm cười với điều chính bản thân đã tìm ra.

Từ vở kịch "Bóng rối", người xem có thể nhận thấy, trong mỗi chúng ta, ít nhiều vẫn luôn tồn tại một góc khuất, bí mật sâu thẳm mà ta giấu kín ở nơi tận cùng ngóc ngách của tâm trí: đó có thể là những tổn thương, những sai lầm, những khao khát rất con người nhưng xung đột với những quan niệm, tư tưởng phổ biến; đó là những cuộc chiến chỉ xảy ra ở ranh giới mong manh giữa ý thức và vô thức nhưng mạnh mẽ, khốc liệt và điên cuồng... Cuộc chiến để được sống là chính mình.

Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Tạ Tuấn Minh đã ghi dấu ấn nghề đạo diễn với vở đầu tay Người tốt nhà số 5 của Lưu Quang Vũ, được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020. Với Bóng rối, một kịch bản đầy thách thức đã được anh xử lý khéo léo.

Đạo diễn Tạ Tuấn Minh đã sở hữu được dàn diễn viên xuất sắc hiện nay của Nhà hát Kịch Việt Nam cho vở diễn. Họ hóa thân vào nhân vật, thể hiện được chiều sâu tâm lý và khiến khán giả không khỏi cảm phục sức diễn, như Khuất Quỳnh Hoa, Thế Nguyên... Đặc biệt, vở kịch còn mời được các diễn viên kỳ cựu từng công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, nay đã nghỉ chế độ, tham gia như Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, Nghệ sĩ nhân dân Việt Thắng...

Bên cạnh đó, thiết kế sân khấu của họa sĩ Hà Nguyên Long cùng âm nhạc được chọn lựa, biên tập phù hợp, đã góp phần đem đến trải nghiệm nghệ thuật kịch đầy tính đương đại, phá vỡ mọi quy tắc của kịch nghệ truyền thống. Ánh sáng đẹp, âm thanh được đầu tư chỉn chu, đầy biểu cảm và ẩn dụ. Mỗi khi cao trào, tiếng vụn vỡ của kim loại biểu trưng cho tiếng gẫy của con rối nhưng cũng là tiếng lòng của con người.

Cảnh trong Bóng rối

Cảnh trong Bóng rối

Vở kịch "Bóng rối" để lại cho khán giả những câu hỏi: Liệu mỗi người chúng ta có được sống đúng với chính bản thân mình? Lựa chọn của một người cho bản thân có thuộc về họ, hay bị chi phối bởi một mạng lưới bổn phận trách nhiệm nhằng nhịt, để rồi mỗi một sự lựa chọn vẫn luôn phải do dự, ngập ngừng, luôn phải tính toán… bởi lựa chọn ấy luôn có hai mặt được - mất, như mặt thiện - ác của Baku (sinh vật thần thoại chuyên ăn ác mộng trong truyền thuyết của Trung Quốc và Nhật Bản). Lựa chọn ấy phải trả giá, như Baku ăn ác mộng và ăn cả giấc mơ...

Vở kịch "Bóng rối" sẽ chính thức được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vào ngày 20, 21, 23/11.

Trước khi được Nhà hát Kịch Việt Nam chọn dựng, kịch bản Bóng rối của Vũ Hoàng Hoa là 1 trong 5 kịch bản lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Patrick White 2023 dành cho kịch bản do Nhà hát Kịch Sydney (Úc) tổ chức hằng năm. Kết quả Bóng rối đứng thứ hai và được Hội đồng chuyên môn của Nhà hát Kịch Sydney đánh giá cao về chất lượng./.

Theo HÀ AN (Báo Điện Tử Tổ Quốc)