Bớt thủ tục thông quan, doanh nghiệp tiết kiệm hơn 200 triệu USD

19/07/2018 - 19:50

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan, tiết kiệm được trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.

Ngày 19-7, tại cuộc họp về thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Công Bình cho biết đến tháng 7-2018, 11 bộ, ngành đã kết nối với cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,34 triệu hồ sơ của hơn 22.000 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công Bình cho biết theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại các của khẩu đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm được 19 USD.

Với cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, doanh nghiệp giảm được chi phí rất lớn khi thông quan

"Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan, tiết kiệm được trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu"- ông Nguyễn Công Bình cho hay.

Theo ông Bình, kết quả trên phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới. "Trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu khu vực ASEAN"- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói.

Ngoài ra, ông Bình cho biết thời gian qua đã thực hiện cắt giảm một số mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, quý II/2015 có 82.760 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến quý I/2018 còn 78.30 mặt hàng (giảm 4.403 mặt hàng).

"Một số bộ quản lý chuyên ngành đã bắt đầu thay đổi phương pháp quản lý và kiểm tra chuyên ngành, chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ trước thông quan sang sau thông quan"- ông Bình nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã cắt giảm gần hết danh mục hàng phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng trước thông quan. Cùng với đó có Bộ Y tế và Bộ Khoa học - Công nghệ.

Về cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O (giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ) mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10-6-2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O.

Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN.

Không chỉ dừng lại trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh kinh tế Á-Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.

Theo Người lao động