Người Dao quây quần chuẩn bị mâm cơm đãi khách tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tay nhanh thoăn thoắt gói những chiếc bánh gù, anh Triệu Hồng Cương (sinh năm 1991) hồ hởi bảo đây là đặc sản của người Dao, dành để đãi khách trong những dịp đặc biệt và lễ Tết.
Những ngày cuối tháng Sáu, anh Cương tất bật cùng mọi người trong bản chuẩn bị mâm cơm truyền thống để giới thiệu cùng khách tham quan Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Căn bếp giữ lửa gia đình
Anh Cương quê ở Ba Vì, Hà Nội. Nhân dịp Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Ngày hội gia đình xuyên suốt trong tháng Sáu, anh được mời về đây để cùng đồng bào dân tộc Dao đang cư trú tại làng giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc đến khách tham quan.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, anh Cương cho biết người Dao thường đặt bếp ở không gian chính trong nhà với ý nghĩa giữ lửa, đem lại sự ấm cúng cho gia đình.
Một người phụ nữ Dao làm gà để chuẩn bị cho bữa cơm truyền thống. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong bữa ăn hàng ngày trước đây, người Dao chia thành hai mâm, mâm trên cho những người đàn ông, người cao tuổi và mâm dưới dành cho phụ nữ, trẻ em.
Mâm trên được đặt ở chính giữa gian bếp, đối diện cửa ra vào. Mâm dưới dành cho phụ nữ thì đặt ở gần bếp lửa để tiện phục vụ, chăm sóc cho những người ở mâm trên.
“Khi gia đình có cô dâu mới về thì người già cho phép cô gái ăn riêng trong vài tuần đầu bởi sợ cô xấu hổ. Sau một thời gian, khi đã thoải mái hơn, quen với lối sống của gia đình chồng, thì cô gái sẽ ngồi ăn chung mâm dưới với những người phụ nữ trong nhà,” anh Cương cho biết.
Theo anh Cương, việc chia mâm cơm như vậy là để thể hiện sự tôn trọng với người lớn tuổi, lao động chính trong gia đình, chứ không phải là trọng nam khinh nữ. Bản thân những người phụ nữ Dao luôn chu đáo trong việc chăm sóc gia đình.
Ngoài ra, khi gia đình có khách, nếu là khách quý ở xa đến thì chủ nhà cùng những người lớn tuổi mời khách lên ăn cơm ở mâm trên để thể hiện tinh thần hiếu khách.
Các món ăn truyền thống của người Dao như xôi màu, bánh gù, bánh dày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày nay, trong quá trình hội nhập văn hóa, người Dao đã bỏ việc chia mâm trên, mâm dưới mà cùng nhau ngồi ăn chung, chỉ khi có những ngày lễ lớn hay những ngày đặc biệt thì mới chia mâm.
Nói đến món ăn truyền thống của người Dao, anh Cương cho hay đó là món bánh gù, cũng giống như bánh chưng của người Kinh, chỉ khác về hình dáng.
“Nguyên liệu gói bánh cũng là đỗ, thịt, gạo nếp nhưng bánh gù được gói bằng lá chuối rừng và hình dạng của bánh hơi gù chứ không vuông như bánh chưng hay tròn như bánh tét,” anh Cương nói.
Ngoài ra, vào Tết thanh minh là dịp lễ lớn của dân tộc Dao thì mọi người sẽ giã bánh dày. Bánh dày của người Dao có 3 màu: Màu trắng là màu nguyên bản của gạo nếp, màu vàng từ củ nghệ và màu đỏ của gấc, khi ăn thì chấm với muối vừng.
Lan tỏa nét đẹp văn hóa
Anh Cương cho biết anh rất vui và vinh dự khi được giới thiệu những văn hóa bản sắc của dân tộc mình cho du khách tham quan tại làng bởi đây là cơ hội để tái hiện bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, qua đó giúp bảo tồn và phát triển văn hóa vùng miền.
Bên cạnh đó, anh cũng rất hạnh phúc khi được giao lưu văn hóa, gắn kết với các anh em dân tộc khác cùng sinh sống tại làng như Tày, Nùng, Mường…
“Tôi mong rằng trong các thế hệ người Dao sẽ luôn tự hào gìn giữ và tiếp nối truyền thống dân tộc mình, lan tỏa nét đẹp văn hóa Dao tới mọi miền Tổ quốc,” anh chia sẻ.
Nói về văn hóa dân tộc Dao thể hiện qua mâm cơm gia đình, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng, Trưởng Ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam-Gắn kết từ bản sắc” cho hay người Dao có truyền thống kính trên nhường dưới, thể hiện rõ nét qua nghi lễ “nhặn sanh nhột” có nghĩa là mừng sinh nhật.
Theo ông Năng, đây là một phong tục đẹp và độc đáo của người Dao. “Nhặn sanh nhột” không chỉ là dịp mừng tuổi mới mà còn có ý nghĩa giải hạn, trừ tà, chúc cho chủ nhân bữa tiệc gặp may mắn, khoẻ mạnh và hạnh phúc. Đặc biệt, nếu trong nhà có người từ 50 tuổi trở lên thì lễ mừng sinh nhật sẽ được tổ chức rất to.
“Người có sinh nhật sẽ được ưu tiên ăn buồng gan của con vật dùng để cúng thần linh, tổ tiên, chẳng hạn cúng gà thì được ăn gan gà, cúng lợn thì ăn gan lợn,” Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng cho hay.
Ông cũng nói thêm rằng mâm cơm gia đình của người Dao thể hiện lòng hiếu khách và sự tinh tế của những người phụ nữ. Cụ thể, khi gia đình có khách, những người đàn ông trong nhà tiếp khách ở mâm trên, những người phụ nữ ngồi ở mâm dưới, ngăn cách bởi một tấm liếp. Người phụ nữ sẽ liên tục ngó qua tấm liếp để tiếp thêm đồ ăn và bổ sung những thứ mà mọi người ở mâm trên cần.
Ngoài ra, Dao là tộc người rất giỏi về nghề thuốc, do đó các món ăn hàng ngày của người Dao cũng là bài thuốc.
Theo Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng, người Dao thường sử dụng một loại lá có công dụng mát gan, bổ huyết để đun nước uống hàng ngày, rất có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, với phụ nữ sau sinh, người già đau xương khớp, người hay bị đau đầu… thì cũng có những món ăn có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh rất tốt.
Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Những món ăn luôn phản ánh sự đa dạng trong phong tục, tập quán, ẩm thực của mỗi vùng miền, mỗi tộc người. Ở một khía cạnh khác, mâm cơm cũng là lăng kính phản ánh đời sống gia đình, là nơi các thành viên quây quần sẻ chia vui buồn trong cuộc sống, cũng là nơi truyền thống tốt đẹp của gia đình được lan tỏa và tiếp nối.
Đó là lý do Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam tập trung giới thiệu ẩm thực, bữa cơm gia đình của các cộng đồng dân tộc để qua đó phản ánh truyền thống văn hóa tộc người.
Theo ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban quản lý làng, những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa gia đình góp phần giới thiệu đặc trưng văn hóa dân tộc.
“Các hoạt động diễn ra tại làng trong chương trình hàng ngày giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc anh em và thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam,” ông Chung cho biết.
Theo Vietnamplus