Xuất khẩu của Singapore tăng 24% trong tháng 11-2021 so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Reuters
Tờ Financial Times ngày 4-1 nhận định các nền kinh tế Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục trước dịch bệnh trong năm 2022, với xuất khẩu là động lực then chốt.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng 5,1% trong năm 2022. Đây là mức tăng ấn tượng so với mức tăng 3% ước đoán của năm 2021, một năm mà nền kinh tế khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19, với việc nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất phải đóng cửa trong mùa hè vừa qua, làm căng thẳng chuỗi cung toàn cầu vốn đã bị đứt gãy trước đó.
Đà phục hồi kinh tế nhiều khả năng sẽ đẩy ngân hàng trung ước các nước, vốn duy trì lãi suất không đổi trong cả năm qua, chuyển hướng sang siết chặt chính sách tiền tệ. Việc Mỹ có kế hoạch tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 cũng tạo ra sức ép mất giá đối với các đồng nội tệ khu vực, làm gia tăng sức ép về tăng lãi suất đối với các nước Đông Nam Á.
Các nền kinh tế lớn nhất khu vực hiện duy trì được mức tăng xuất khẩu ấn tượng. Xuất khẩu tháng 11 của Malaysia tăng 32%, đạt 26,9 tỉ USD. Số liệu thương mại cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ với nhóm mặt hàng điện và điện tử vốn chiếm 40% giá trị xuất khẩu, cũng như các mặt hàng xăng dầu, hóa chất. Ông Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia, dự báo mức tăng sẽ còn mạnh hơn trong năm 2022. Xuất khẩu của Singapore trong tháng 11 cũng tăng 24,2% và là mức tăng mạnh nhất trong một thập kỉ trở lại đây.
Việc tăng tỉ lệ che phủ vaccine cùng với số ca nhiễm mới có xu hướng giảm dần đã tạo điều kiện cho nhiều nước trong khu vực đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng nguy cơ đóng cửa, phong tỏa tại Đông Nam Á gần như không còn và năm 2022 có thể sẽ là năm bản lề để khu vực chuyển hướng sang giai đoạn sống chung với COVID-19.
Với triển vọng kinh tế sáng sủa, ngân hàng trung ương các nước từng cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và duy trì mức lãi suất thấp trong cả năm 2021 đang xem xét thay đổi chinh sách điều hành. Giới kinh tế cho rằng lựa chọn tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022 đã được nhiều nước tính đến. Ngân hàng United Overseas Bank (Singapore) dự đoán các nước tăng lãi suất trong năm nay gồm có Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Riêng tại Indonesia, lãi suất sẽ đứng ở mức 4,5% vào cuối năm 2022 so với mức 3,5% ở thời điểm hiện tại. Singapore thậm chí còn hành động sớm hơn, khi bắt tay thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 10 vừa qua, thông qua việc nới biên độ giao dịch của tỷ giá đồng đôla Singapore. Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) có thể sẽ một lần nữa nới biên độ này trong tháng 4 tới.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lãi suất tại các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ tăng trong năm tới. Tăng lãi suất khiến các dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy về các nước phát triển. Dòng vốn tại các khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á, bị rút đi, gây sức ép với đồng nội tệ tại các nền kinh tế khu vực. Hệ quả đi kèm sẽ là giá hàng hóa nhập khẩu tăng, kéo theo lạm phát, làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Đó là một lý do khiến giới điều hành chính sách tiền tệ tại các nước Đông Nam Á tính đến giải pháp tăng lãi suất.
Tuy nhiên, kịch bản chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với kỳ vọng tăng trưởng cao có thể sẽ bị đảo ngược nếu COVID-19 với biến thể Omicron diễn biến dai dẳng. Đông Nam Á là khu vực có số ca mắc mới do Omicron gây ra thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây. Nhưng chừng đó cũng đã khiến nhiều nước tái áp đặt cá biện pháp kiểm soát dịch bệnh, như tạm thời bãi bỏ quy định miễn cách ly với khách nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine.
Theo HOÀI THANH (Báo Tin Tức)