Nguồn ốc phong phú
Bận trước, đến mùa nước nổi, từ đầu trên xóm dưới, trẻ con, người lớn ở thôn quê lục lọi những gò đất cao tìm cắt dây hắc sủ, cỏ vòi voi, cây đu đủ đem về quấn thành từng lọn nhỏ để ủ ốc lác.
Sau đó, không biết từ đâu, ốc bươu vàng xuất hiện xâm lấn nguồn ốc bản địa. Giờ đây, ốc lác, ốc đít bằng ở cánh đồng vùng trong rất hiếm. Tuy nhiên, trên cánh đồng ven biên giới, các loại ốc này còn rất nhiều.
Một ngày cuối tuần, chúng tôi về đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) để tận mắt xem tiểu thương thu mua ốc đồng. Thời điểm này, cánh đồng giáp biên với nước bạn Campuchia trắng xóa một vùng rộng lớn. Trông trời xa, những hàng dớn mọc san sát nhau như ma trận. Nước lên cao, ngư dân qua lại trao đổi, mua bán thủy sản náo nhiệt.
Xế trưa, chị Mai (chủ vựa chuyên thu mua ốc đồng) đang “chỉ huy” người làm công lựa, phân loại ốc để kịp giao hàng cho chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Bên căn nhà sàn vượt lũ, tiếng đổ ốc khua lốc cốc, tiếng cười nói huyên thuyên của người lựa ốc rộn ràng khắp xóm. Tính đến nay, chị Mai đã hơn 20 năm gắn bó với nghề. Chị bày tỏ, nghề cơ cực này đã ăn sâu vào nếp sống của người dân nơi đây.
“Hàng năm vào mùa lũ, ai cũng bận rộn hết trơn! Người đặt dớn, giăng lưới bắt cá, người đi bắt ốc, lựa ốc… Trước đây, con ốc đồng rẻ lắm! Thậm chí, ốc dùng để cho vịt, cá tra ăn. Bây giờ, con ốc lác, ốc đít bằng, ốc hương giá cao rồi!” - chị Mai cho hay.
Nguồn ốc chuẩn bị giao cho các nhà hàng, quán ăn
Thật lạ, những con ốc vùng biên trông rất ú, vỏ bóng loáng, nên được tiểu thương chợ đầu mối, quán ăn, nhà hàng thu mua mạnh. Có lần, chúng tôi vô quán ăn kêu món ốc đồng loại lớn nướng tiêu, rất hấp dẫn. Chúng có vị thơm, thịt dai sần sật, chấm nước mắm xả, ngon đến tận răng.
Con ốc đồng chân quê ngày nào đã và đang trở thành món ăn đặc sản vang danh khắp miệt. “Nguồn ốc biên giới rất sạch, giàu dinh dưỡng. Ngày nào tôi cũng thu mua 4 - 5 tấn ốc giao cho nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, ốc đồng dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg mà không đủ giao” - chị Mai tâm sự.
Hôm tận mắt xem ngư dân nước bạn Campuchia chở ốc đồng sang cân, chúng tôi hỏi chia 2kg ốc hương về thưởng thức, nhưng bị chủ vựa từ chối. Bởi lẽ, hiện nay nguồn ốc này rất hiếm, mỗi ngày chỉ lựa được khoảng 10kg, không đủ giao cho nhà hàng. “1kg cũng không bán. Khách đặt rồi! Giao không đủ số lượng, người ta cự mình. Anh thông cảm…” - chị Hương (người lựa ốc) thật thà nói.
Con ốc lên chợ lớn
Gần nhà chị Mai, có vài hộ chuyên buôn ốc đồng trong mùa nước nổi. Mỗi ngày, nguồn ốc ở đây được bà con phân phối tại chợ lớn trong và ngoài tỉnh. Buổi trưa, chạy qua tuốt bên chợ Khánh An, chúng tôi gặp những chiếc xuồng chở ốc rẽ nước ràn rạt băng dòng sông Hậu cặp bến cân cho tiểu thương. Nguồn ốc ở đây rất phong phú, bình quân mỗi ngày thu mua trên 10 tấn ốc đồng.
Đang loay hoay trò chuyện bằng tiếng Campuchia với ngư dân nước bạn, gặp chúng tôi, anh Cường hồ hởi: “Năm nào cũng vậy, lũ mấp mé đồng là ngư dân Campuchia chở ốc sang bán. Nguồn ốc bên đó nhiều, có ngày chuyển qua hàng chục tấn. Khoảng chục năm trước, loại ốc này mỗi ký chỉ vài trăm đồng, nhưng bây giờ tăng lên 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ốc ở đây ngon lắm!”.
Nhiều xóm ốc, vựa ốc mọc lên trong mùa nước nổi, bà con có thu nhập rủng rỉnh lúc nông nhàn. “Mỗi buổi trưa, tôi ngồi lựa ốc đến chiều được trả công 300.000 đồng. Còn các anh vác ốc, mỗi ngày thu nhập hơn 400.000 đồng. Nhờ vựa ốc làm ăn được, chúng tôi có việc làm ổn định mùa nước nổi” - chị Trần Thị Kiều bộc bạch.
Vào những ngày này, ghé xóm lể ốc ở xã Vĩnh Hội Đông mới thấy hết sự náo nhiệt của bà con. Ốc được đổ thành đống, đủ loại. Ốc bươu vàng thì được người dân trụng nước sôi, lể lấy phần đầu cân cho tiểu thương ở TP. Hồ Chí Minh, 20.000 - 30.000 đồng/kg. Còn ốc hương, lác, đít bằng, chủ vựa vô bao giao nhà hàng, quán ăn.
Anh Vũ (chủ vựa ốc “trứ danh” ở vùng biên) cho hay, mỗi ngày gia đình anh thu mua hàng chục tấn ốc đủ loại. Nghề buôn ốc đã gắn bó với anh hơn 10 năm. Ngày trước, anh không có ruộng đất, phải khăn gói lên Bình Dương vào làm công nhân tại khu công nghiệp. Sau đó, anh trở về quê lể ốc bán. Làm ăn thuận lợi, anh Vũ quyết tâm bám trụ với nghề tới bây giờ. “Nhờ nghề này, chúng tôi có đồng vô, đồng ra, nuôi sấp nhỏ ăn học” - anh Vũ cười khà.
Không ai ngờ, con ốc đồng trở thành cứu cánh cho bà con nghèo vùng biên giới. Giờ đây, loài giáp xác này đang là đặc sản nức tiếng, giải quyết việc làm cho rất nhiều người dân nhàn rỗi, có thu nhập ổn định.
LƯU MỸ