Giả sử bạn được đưa cho xem ba bức ảnh khác nhau, tuy các bức ảnh biến đổi, nhưng người nhìn chúng thì không thay đổi. Đó là bạn-ở-bên-trong, là chủ thể, người chủ của tâm thức bạn, là linh hồn bạn.
Đó là cách tác giả Michael A. Singer bắt đầu khi nói về tâm thức trong cuốn sách Sống đời tự do (tựa gốc: Living Untethered). Sau đó, trong toàn bộ tác phẩm, Singer tiếp tục dùng một lối viết trực quan, nhiều liên tưởng, nhằm diễn tả thứ mơ hồ nhất - tâm thức - theo cách dễ hiểu nhất.
Mục tiêu của Singer là giúp bạn đọc hiểu về cách vận hành của tâm thức, để từ đó biết cách giải phóng chính mình khỏi những đau khổ, vật lộn… tưởng như là cố hữu của kiếp người.
Theo Michael A. Singer, dù người chủ bên trong của mỗi người không đổi nhưng tương tác của ta với thế giới bên ngoài lại không ngừng mang vào tâm ta những vị khách, đó chính là suy nghĩ và cảm xúc. Có những vị khách khiến ta dễ chịu, thăng hoa, vui vẻ nhưng cũng có vị khách khiến ta khó chịu, bất an, sợ hãi. Theo Michael A. Singer, con người bắt đầu dính chân vào “bể khổ”, hay “rơi khỏi vườn địa đàng”, ngay lúc ta để những vị khách đó bị mắc kẹt lại trong tâm mình.
Chẳng hạn như một biến cố tuổi thơ ở lại mãi trong tâm trí, không ngừng đánh động cảm giác đau đớn, dù mọi thứ bên ngoài ta đã hoàn toàn đổi khác. Hay một hồi ức đẹp mãi không rời đi, ngăn cản ta trải nghiệm toàn vẹn thực tại trước mắt…
Cho dù quá khứ đã ở lại phía sau nhưng vì những “vị khách” vẫn còn đó trong tâm hồn, ta đồng nhất chúng với chính mình - chủ thể - và để chúng ảnh hưởng đến mọi trải nghiệm hiện tại. Nói cách khác, ta sống chỉ để né tránh hoặc thỏa mãn cảm giác mà các “vị khách” đó mang lại.
Với 39 chương, Sống đời tự do chủ yếu xoay quanh những vị khách bị mắc kẹt đó, hướng dẫn cách thức vượt lên tình cảnh khó khăn của con người – những suy nghĩ, cảm xúc và thói quen khiến bạn bị trói buộc và kìm hãm. Nhờ vậy, bạn có thể chữa lành nỗi đau trong quá khứ và nhờ đó bạn có thể sống với một tâm thế tự do.
Tác giả sử dụng nhiều cái tên, như vết sẹo từ quá khứ, mô thức suy nghĩ, khối tích tụ, hay “một cái kho khổng lồ lưu trữ những khoảnh khắc mà bạn khó có thể buông bỏ”. Một thuật ngữ trong yoga - samskara - cũng được Singer sử dụng rất thường xuyên để mô tả những mô thức này.
Michael A. Singer cho rằng chỉ có cách buông bỏ các samskara thì chúng ta mới sống tự do thực sự. Hay nói cách khác, cuộc sống phải là một hành trình không ngừng buông bỏ các samskara, đồng thời không tích tụ thêm những samskara mới.
“Khi bạn cam kết trưởng thành về mặt tâm linh, bạn học cách phóng thích những năng lượng tích tụ từ quá khứ và không lưu trữ thêm bất kỳ khối chướng ngại nào trong hiện tại”, tác giả cho hay.
Nói thì dễ hơn làm nhưng dù sao các hướng dẫn chi tiết cho hành trình buông bỏ gian nan đó cũng được Michael A. Singer chỉ rõ cho bạn đọc. Cuốn sách phảng phất triết lý Phật giáo, dù cách viết của Singer thì không tuân theo một hệ thống giáo lý nào mà từ những đúc kết và diễn giải của riêng ông.
Nội dung sách cũng tương tự như những tác phẩm của Eckhart Tolle, Osho hay Krishnamurti: Cùng bóc tách cấu trúc tâm trí, cảm xúc, suy nghĩ con người, đồng thời hướng dẫn nhiều kỹ thuật thiền định, tập trung vào hiện tại. Dường như mục tiêu các tác giả đó đều là một - thoát khổ và trưởng thành về mặt tâm linh - cho dù những khái niệm họ đưa ra có vẻ khác biệt.
Michael A. Singer cho rằng người tiến hoá về tâm linh không phải là không có cảm xúc hay suy nghĩ náo động, mà là bình an với những cảm xúc, suy nghĩ đó. Khi đó, mọi trải nghiệm trong đời, dù tích cực hay tiêu cực, ta đều hấp thụ hoàn toàn và rồi để chúng đi qua; không kháng cự, cũng không bám chấp. Mọi trải nghiệm vì thế đều tuyệt diệu và là cơ hội để chúng ta học hỏi, trưởng thành.
Trên hết, khi quá khứ được buông bỏ, cuộc sống không còn là một chuỗi ngày vật lộn để cảm thấy an ổn trong tâm mà là sự thưởng thức trọn vẹn và sự chia sẻ chân thành tình yêu và sự sáng tạo…
Theo Vietnamnet