Cả nước xuất siêu hơn 19 tỷ USD trong 8 tháng

06/09/2024 - 14:15

Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD).

Chú thích ảnh

Kho bãi container tại cảng Gemalink, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/9, tháng Tám tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước. Còn kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 33,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước.

Với kết quả này, tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD).

Theo chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm, bình quân một tháng trong 8 tháng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 33,12 tỷ USD, cao hơn 0,7 tỷ USD so với bình quân 7 tháng năm 2024 và cao hơn khoảng 1,35 tỷ USD so với bình quân 6 tháng năm 2024. Điều này phản ánh kim ngạch xuất khẩu mấy tháng gần đây đều đạt tháng sau cao hơn tháng trước.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết: 8 tháng sơ bộ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%.

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê, sau 8 tháng, đã có 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đóng góp 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 6 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong số này, cao nhất là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện, đạt 46,325 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là điện thoại và linh kiện, đạt hơn 37 tỷ USD, tăng 9,5%; máy móc, thiết bị và phụ tùng, đạt 32,73 tỷ USD, tăng 21,8%; dệt may, đạt hơn 24,3 tỷ USD, tăng 7,9%; giày dép, đạt 14,9 tỷ USD, tăng 11,8%; và gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 10,388 tỷ USD, tăng 22,3%.

Ở chiều ngược lại, 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%.

Nhập khẩu tăng nhanh, với 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, nhưng cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu vẫn rất tích cực. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 246 tỷ USD, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 230,95 tỷ USD, chiếm 93,9%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 15 tỷ USD, chiếm 6,1%.

Như vậy, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giữ vững đà tăng trưởng tích cực. Với kết quả này, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục có thặng dư. Con số của tháng 8/2024 là 4,53 tỷ USD. Nếu tính chung 8 tháng, con số là 19,07 tỷ USD, thấp hơn so với con số 19,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Theo đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.

Xét về thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết: Trong 8 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%. Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.

Với những nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nếu duy trì được mức xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước trong 4 tháng còn lại của năm 2024 thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay ước lập mốc lịch sử mới 400 tỷ USD, vượt xa mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022.

Để đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các giải pháp thông tin sớm về thị trường; đồng thời, bảo vệ cho hàng hoá xuất khẩu bằng việc tăng cường cảnh báo sớm các giải pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này. Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu…

Theo TTXVN