Cà-phê vợt bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ từ khoảng năm 1950 và trở thành một trong những nét ẩm thực đặc trưng trong văn hóa của người dân Nam Bộ. Tại TP. Long Xuyên, những quán cà-phê còn giữ cách pha chế bằng vợt không nhiều. Hầu hết những quán này đều trải qua mấy mươi năm hoạt động, trong số ấy phải kể đến một quán cà-phê nhỏ đơn sơ không biển hiệu, nằm bên dốc cầu Ông Mạnh, cạnh rạch Long Xuyên mà người dân địa phương quen gọi bằng cái tên “Cà-phê vợt Hai Ngầu”. Trong khuôn viên ngôi nhà cũ, có tường lửng và rào kẽm bao bọc, quán cà-phê vợt chỉ vỏn vẹn vài bàn ghế gỗ cũ, nhưng ngót nghét hơn nửa thế kỷ trôi qua nơi đây là điểm đến quen thuộc của nhiều người.
Cà-phê được pha chế kỹ lưỡng bằng vợt
Sở dĩ cà-phê ở đây có nhiều khách ưa thích vì mang hương vị đặc trưng không nhầm lẫn, được tạo nên từ “bí quyết” độc quyền tích lũy trong suốt hơn 50 năm của chủ quán. Cà-phê sử dụng tại quán được xay nhuyễn, rồi lọc qua vợt làm bằng vải lưới mỏng, sau đó ủ trong siêu thuốc bắc để cà-phê ra hết vị, nước đầu sau khi lọc tiếp tục được đun liu riu trên bếp điện để giữ ấm. Loại cà-phê pha bằng vợt hơi nhạt so với cà-phê pha phin hoặc pha máy, nhưng lại mang phong vị rất riêng. Ưu điểm của phương pháp pha bằng vợt giúp cà-phê pha chế nhanh hơn, số lượng nhiều hơn, không mất nhiều thời gian chờ đợi như pha phin.
Đối với nhiều khách đến quán “Cà-phê vợt Hai Ngầu” có người thích cà-phê đen nóng thêm đường hoặc cà-phê đá, cũng có khách ưa thích món cà-phê sữa nóng đậm chất “dân miền Tây”, với phần sữa gần bằng phần cà-phê, mang vị béo thơm, ngọt lịm… Để ly cà-phê giữ được độ nóng và thơm lâu hơn, chủ quán luôn kỹ lưỡng trong từng khâu pha chế, mỗi chiếc ly đều được trụng qua nước sôi trước khi cho nước cà-phê vào mang ra bàn cho khách. Anh Lê Hữu Tâm (ngụ phường Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Tôi rất thích cà-phê vợt ở đây. Khi uống loại cà-phê này, tôi mới cảm nhận được hết vị ngon của cà-phê với hương thơm đặc trưng. Vào buổi sáng sớm ngồi tại không gian cũ kỹ của quán, nhấp một ngụm cà-phê đen nóng hổi, nhìn nhịp sống ngày mới diễn ra sẽ có cảm giác rất đặc biệt…”.
Vào những giờ rảnh rỗi, ngồi ở quán “Cà-phê vợt Hai Ngầu” sẽ trải nghiệm được kiểu cà-phê bình dân giữa lòng thành phố. Ở đây thi thoảng nghe được những câu chuyện kể về ngày xưa từ người lớn tuổi hoặc có những câu chuyện vô tình thu hút sự “vào cuộc” vui vẻ tiếp lời của nhiều người khách ngồi khác bàn với nhau, để rồi kéo gần khoảng cách, từ người lạ thành quen. Vì mỗi ly cà-phê có giá bình dân nên khách đến quán “Cà-phê vợt Hai Ngầu” đa phần là những người dân lao động mộc mạc, chất phác ghé mua cà-phê mang đi làm buổi sáng hoặc đến nghỉ mệt, nhâm nhi cà-phê vào buổi trưa để lấy lại tinh thần, tỉnh táo tiếp tục công việc. Đây cũng là nơi tụ họp của nhiều người già, trẻ, lớn, bé, cả nam lẫn nữ và là nơi dừng chân thú vị của nhiều phượt thủ, những người thuộc thế hệ hiện đại, nhưng yêu thích sự bình dị, hoài niệm và muốn trải nghiệm những điều xưa cũ.
Đến quán cà-phê vợt hoạt động hơn nửa thế kỷ, ngoài thưởng thức hương vị cà-phê xưa, khách còn được hòa mình vào không gian bình yên của thôn quê ngày trước. Trong không gian cũ kỹ, không máy điều hòa, mọi thứ đều giản dị nhưng có thể khiến khách cảm nhận trọn vẹn nhịp sống của người dân địa phương, dễ dàng buông chiếc điện thoại xuống, cầm lấy tờ báo xem tin tức hoặc ngồi trò chuyện, tán gẫu cùng bạn bè, người thân. Từ đó, cảm nhận sự bình dị thân thương của cuộc sống và thưởng thức ly cà-phê bốc khói nghi ngút, thơm ngon đậm vị của ngày xưa cũ.
MỸ LINH