Các bệnh ngoài da thường gặp

06/10/2020 - 08:45

 - Thiếu dinh dưỡng dễ gây các triệu chứng ngứa ngoài da. Với người cơ địa dị ứng, hạn chế chất kích thích, cà phê, trà, các loại hại sản như: cua, tôm, mực có thể gây dị ứng cho da.

1. Viêm da cơ địa:

Đây là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp nhất, đặc biệt trẻ em và ít hơn là người lớn. Trên bề mặt da tiết dịch và phù nề. Đây là lúc người bệnh rất ngứa, đau rát, nhất là về đêm. Với người bệnh mạn tính, sắc tố da của người bệnh bị thay đổi, rối loạn và xuất hiện nhiều đám da sần, dày sừng bong tróc và rất ngứa.

2. Viêm da tiếp xúc:

Bệnh do tiếp xúc trực tiếp với các chất gây kích ứng, chất gây dị ứng. Triệu chứng bệnh là nổi ban đỏ, phát ban các khu vực bị bệnh, như: cổ, đầu, trán, mặt, mí mắt, bụng, chân, tay và rất ngứa. Diện tích phát ban của bệnh được giới hạn và chỉ lan rộng ra khi bệnh trở nên nặng hơn, viêm da tiếp xúc gồm 2 loại viêm chính là: viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng.

3. Bệnh vảy nến:

Bệnh vảy nến chiếm đến 10% tổng số người mắc bệnh ngoài da. Tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng bệnh vẩy nến làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, theo nghiên cứu và thống kê thì nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Đây là bệnh có thể phát theo từng đợt và có thể giảm theo mùa.

4. Viêm da mủ:

Đây là bệnh thường xảy ra  vào mùa hè. Vào thời điểm này, trời nóng nực và cơ thể tiết nhiều mồ hôi khi gặp tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn sẽ dễ mắc bệnh. Người bị bệnh viêm nang lông, bị mụn nhọt, chốc lở, hăm kẽ và bị chốc mép, chốc loét.

5. Nổi mề đay - mẩn ngứa:

Đây là bệnh da liễu thường gặp và cũng gây ngứa ngáy, đau bỏng rát khó chịu cho người bệnh. Bệnh càng gãi, càng động vào vùng da mề đay thì càng ngứa và có thể bị chảy máu, bị bội nhiễm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: dị ứng với thuốc, thức ăn, một số chất kích ứng, côn trùng cắn đốt, tiêu thụ quá nhiều những loại thức ăn chứa nhiều đạm và can-xi.

6. Bệnh ghẻ:

Là bệnh ngoài da phổ biến, bệnh do một loại côn trùng ký sinh trên da gây nên, có tên là Sarcoptes scabiei, Hominis (cái ghẻ), có nơi còn gọi là con mạt ngứa, thường hay gặp vào mùa xuân - hè. Bệnh do ghẻ cái gây nên, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp. Hầu hết sự lây truyền bệnh ghẻ xảy ra mang tính chất gia đình, nếu một thành viên trong nhà bị bệnh ghẻ thì khả năng những người khác trong gia đình sẽ dễ mắc bệnh.

7. Nấm da:

Khi xâm nhập vào da, các sợi nấm liên kết với nhau tạo thành búi nấm, đến lúc những búi nấm này già hoặc chết đi sẽ hình thành bào tử. Nấm da gây ngứa cho người bệnh là bởi trong quá trình sống của mình, sợi nấm tiết ra độc tố làm kích thích da. Nấm da có các dạng phổ biến, như: nấm da toàn thân, nấm da đầu, nấm da mặt, nấm da tay, nấm da đùi, nấm kẽ và nấm móng

8. Bệnh Zona người lớn:

Bệnh có biểu hiện phát ban của các chấm nổi lên, sau đó biến thành mụn nước gây đau đớn. Bệnh Zona khiến da bị bỏng, ngứa ran hoặc trở nên rất nhạy cảm. Bệnh Zona thường xuất hiện trên thân và mông nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận trên cơ thể, thường bệnh sẽ kéo dài khoảng 2 tuần.

9. Bệnh chàm (Eczema):

Ở người lớn, nó thường xuất hiện ở khủy tay, bàn tay và ở nếp gấp da. Một số loại thuốc điều trị bệnh chàm có thể được bôi lên da và một số khác được uống hoặc tiêm.

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa người bệnh và do tiếp xúc với các hóa chất trong cuộc sống và trong công việc, ăn phải thức ăn lạ… hoặc do cơ thể bị rối loạn, sức đề kháng kém.

10. Mụn trứng cá:

Mụn trứng cá bùng phát khi lỗ chân lông bị tắc dầu và tế bào da chết bị viêm. Có 2 loại, mụn trứng cá đầu đen và mụn trứng cá đầu trắng. Lỗ chân lông mở và chuyển sang màu tối được gọi là mụn trứng cá đầu đen. Lỗ chân lông bị tắc hoàn toàn được gọi là mụn đầu trắng.

Vi khuẩn và các yếu tố kích thích hoạt mụn trứng cá hoạt động. Chúng thường xuất hiện trên mặt, ngực và lưng. Bạn cũng có thể nổi mụn mủ và u nang. Để giúp kiểm soát mụn trứng cá, hãy giữ cho vùng da dầu sạch sẽ và không nặn mụn (vì nặn mụn có thể gây nhiễm trùng và sẹo).

11. Nốt ruồi:

Nốt ruồi thường có màu nâu hoặc đen. Chúng có thể ở bất cứ đâu trên cơ thể. Chúng có thể xuất hiện một mình hoặc theo nhóm và thường xuất hiện trước tuổi 20. Một số nốt ruồi thay đổi chậm theo năm tháng.

Nên đi kiểm tra nốt ruồi hàng năm với bác sĩ da liễu. Bạn nên gặp bác sĩ nếu thấy bất kỳ sự thay đổi về đường viền không đều, màu sắc bất thường hoặc không đồng đều, chảy máu hoặc ngứa.

12. Bệnh mụn cóc:

Bệnh mụn cóc thường vô hại và không đau. Bạn có thể điều trị chúng bằng thuốc bôi hoặc bác sĩ có thể đóng băng hoặc đốt chúng đi. Các kỹ thuật loại bỏ tiên tiến hơn bao gồm: phẫu thuật, laser...

* Cách phòng tránh các bệnh ngoài da

1. Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ:

Thường xuyên tắm gội để rửa trôi bụi bẩn, mồ hôi, vi khuẩn, bã nhờn bám trên da. Tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ sau 1 ngày làm việc mệt nhọc hoặc tập thể dục - thể thao. Không nên lạm dụng quá nhiều sữa tắm hoặc dầu gội gây tổn hại lớp chất nhờn.

2. Hạn chế sử dụng mỹ phẩm:

Làn da vốn rất nhạy cảm, nhất là da mặt nên việc lạm dụng mỹ phẩm dễ gây viêm da, nám da thậm chí là ung thư. Các loại thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay cũng dễ gây dị ứng, viêm da đầu.

3. Quần áo, đồ dùng cá nhân:

Không nên mặc chung hoặc cho ai mượn đồ của mình mặc. Quần áo lúc nào cũng phải được giặt sạch sẽ, phơi khô ngoài ánh nắng để tiêu diệt vi khuẩn. Bảo quản treo quần áo, đồ dùng cá nhân ở nơi sạch sẽ thoáng mát. Không mặc quần áo ẩm ướt, quần lót quá chật vì gây nấm da. Một số loại quần áo vải, ny-lon, sợi tổng hợp cũng gây dị ứng da vì vậy cần lựa chọn chất liệu mát, mỏng, dễ thấm hút mồ hôi sẽ tốt hơn cho da.

4. Chế độ ăn uống:

Chế độ ăn đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp da tăng cường sức đề kháng, từ đó phòng ngừa bệnh ngoài da tốt hơn. Thiếu dinh dưỡng dễ gây các triệu chứng ngứa ngoài da. Với người cơ địa dị ứng, hạn chế chất kích thích, cà phê, trà, các loại hại sản như: cua, tôm, mực có thể gây dị ứng cho da.

BS CKI Nguyễn Thị Mỹ Linh (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật An Giang)

 

Liên kết hữu ích