Riêng tại An Giang, tính đến tuần 22 (ngày 2/6/2023), toàn tỉnh ghi nhận 386 ca mắc, tăng 14% so cùng kỳ năm 2022. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc có khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhất là thời gian học sinh trở lại trường cho năm học mới.
Bệnh TCM có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh, chất dịch từ các bóng nước của trẻ bệnh bị vỡ ra.
Bệnh TCM cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết sớm trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu điển hình để kịp thời điều trị. Theo đó, các biểu hiện dễ nhận biết của bệnh TCM, gồm:
Sốt: Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt, biểu hiện sốt cao khó có thể hạ sốt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Tổn thương ở da: Trẻ có biểu hiện rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt, như: Họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh để diễn biến nặng, nguy hiểm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong trường hợp gia đình có trẻ mắc TCM, cần đảm bảo: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt... của trẻ. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà. Không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh TCM. Để chủ động phòng bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà bông dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, như: Ly, chén, dĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày, như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
BS Văn Hiển Tài
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang)