Các chính sách, pháp luật mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2020

30/12/2019 - 07:42

Điều kiện nghỉ hưu khi suy giảm 61% khả năng lao động, mức lương hưu hàng tháng khi chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), điều chỉnh căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu và trợ cấp 1 lần có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Điều chỉnh căn cứ tính lương hưu, trợ cấp 1 lần 

Điều 62 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định và có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp 1 lần được tính như sau: tham gia BHXH từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trước đó, NLĐ thuộc đối tượng trên khi tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu…

Mức hưởng lương hưu hàng tháng

Theo quy định của Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ năm 2020, lao động nam đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật BHXH, khi có 18 năm đóng BHXH thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Trường hợp lao động nữ đủ điều kiện quy định tại Điều 54, Điều 56 quy định: lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, NLĐ nam và nữ được tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%. Tuy nhiên, cách tính lương hưu của Luật BHXH năm 2014 có gây bất lợi cho lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng so với lao động nam theo cách tính của Luật BHXH năm 2006.

Do đó, Quốc hội khóa XIV đã thống nhất giao Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2021 và bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định, mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 hoặc Khoản 2, Điều 74 Luật BHXH năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.

Điều kiện nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động

 Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Theo đó, NLĐ khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu trong điều kiện bình thường về tuổi hưu (nam 60 và nữ 55 tuổi). Lộ trình quy định: từ ngày 1-1-2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó, mỗi năm tăng thêm 1 tuổi cho đến năm 2020 trở đi; nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Với thời điểm hiện nay (năm 2019), lao động nam chỉ cần đủ 54 tuổi và lao động nữ đủ 49 tuổi là đủ điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thông qua 7 luật, gồm: Luật Giáo dục; Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, 3 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

- Luật Đầu tư công (sửa đổi): Luật Đầu tư công có 6 chương, 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

- Luật Thi hành án hình sự: Luật Thi hành án hình sự có 16 chương, 207 điều, quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án; quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

- Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Luật Phòng, chống, tác hại của rượu, bia có 7 chương, 36 điều, quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

Bài, ảnh: N.R