Các quốc đảo nhiệt đới đối mặt với khủng hoảng đất đai nghiêm trọng
03/01/2025 - 08:24
Từ Philippines đến Saint Kitts và Nevis, các đảo nhiệt đới đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái, hạn hán và sa mạc hóa.
AA
Hình minh họa. Ảnh: THX/TTXVN
Những khu nghỉ dưỡng sang trọng, bãi biển hoang sơ và rừng xanh mướt là hình ảnh quen thuộc khi nghĩ đến các quốc đảo nhiệt đới. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp thơ mộng đó là một cuộc khủng hoảng đất đai đang âm thầm diễn ra, làm gia tăng mối đe dọa từ nước biển dâng.
Khủng hoảng đất đai lan rộng
Thoái hóa đất, hiện tượng thường gắn liền với các vùng khô hạn ở châu Phi và Trung Á hiện nay cũng đang diễn ra tại các quốc đảo nhiệt đới. Khi đất thoái hóa, năng suất, đa dạng sinh học và sức khỏe tổng thể của đất giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và di cư cưỡng bức.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), các quốc đảo đang phát triển nhỏ (SIDS), gồm 39 quốc gia và 18 thành viên liên kết, là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng thoái hóa đất do diện tích nhỏ và địa hình dốc. Ngoài ra, vấn đề này cũng đang ở mức báo động tại các quốc đảo lớn hơn, như Indonesia.
Ông Barron Orr, nhà khoa học trưởng của Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD), nhận định: “Đảm bảo sự bền vững của đất và hệ sinh thái là chìa khóa để cân bằng giữa nhu cầu lương thực và các dịch vụ khác từ thiên nhiên”.
Nguyên nhân
Tại Hội nghị COP16 của UNCCD vừa qua ở Riyadh (Saudi Arbia), tổng thư ký điều hành Ibrahim Thiaw cảnh báo mỗi giây, thế giới mất diện tích đất tương đương bốn sân bóng đá do thoái hóa đất. Với các quốc đảo nhỏ bé, tác động của tình trạng này càng rõ nét hơn.
Ở Philippines, gần một nửa diện tích đất, khoảng 14,26 triệu ha, đã bị thoái hóa vào năm 2019. Tại Cộng hòa Dominica, hơn một phần ba diện tích đất, tương đương 1,49 triệu ha, cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ông Estrella Penunia, tổng thư ký Hiệp hội nông dân châu Á, cho biết: “Hình ảnh các hòn đảo thường được coi là thiên đường. Nhưng tại Philippines, sự lạm dụng tài nguyên thiên nhiên trong nhiều thập kỷ đang đe dọa nghiêm trọng đến đất đai và hệ sinh thái”.
Biến đổi khí hậu làm vấn đề thêm trầm trọng, khi lượng mưa và mùa khô không còn ổn định. Theo giáo sư giáo sư Chay Asdak từ Đại học Padjadjaran, Indonesia thì sự phân bố và lượng mưa đã thay đổi.
Việc sử dụng phân bón tổng hợp cũng góp phần làm thoái hóa đất. Phân bón giúp cây trồng phát triển nhanh chóng nhưng lại làm mất đi các yếu tố tự nhiên cần thiết cho đất khỏe mạnh. Hệ quả là đất mất khả năng giữ nước, dẫn đến nguy cơ ngập lụt và hạn hán cao hơn.
Sa mạc hóa, thoái hóa đất ở các khu vực khô hạn, cũng là mối đe dọa đối với các quốc đảo có địa hình đồi núi do hiệu ứng địa hình chắn gió. Hiện tượng này xảy ra khi gió từ biển bị chặn bởi núi, gây mưa lớn ở sườn núi hướng biển và để lại khô hạn ở phía đối diện.
Tại Indonesia, mưa lớn trên núi có thể kích hoạt sạt lở và lũ lụt ở vùng thấp, trong khi đất ngày càng mất khả năng thẩm thấu nước, làm tăng nguy cơ hạn hán theo mùa. Tại Trinidad và Tobago, nạn thoái hóa đất do khai thác quá mức và canh tác kém hiệu quả đang khiến tình trạng lũ lụt và hạn hán trở nên trầm trọng hơn.
Hành động khẩn cấp
Để đối phó với tình trạng này, ông Eric Browne, chuyên gia của UNCCD tại Saint Kitts và Nevis, nhấn mạnh rằng việc giáo dục cộng đồng về bảo vệ đất và ứng phó với hạn hán là rất quan trọng. “Chúng ta cần nghiên cứu về tình trạng đất và lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện hạn hán”, ông nói.
Các thực hành quản lý đất tốt hơn có thể mang lại hiệu quả lớn cho các quốc đảo nhỏ. Nếu trồng các loại cây ít cần nước và bổ sung chất hữu cơ cho đất, chúng ta sẽ tăng năng suất cây trồng đáng kể.
LHQ hiện đang hỗ trợ các quốc đảo tiếp cận dữ liệu và hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao để giám sát và đánh giá tình trạng thoái hóa đất. Đây là một phần trong chương trình giúp các quốc gia đạt mục tiêu trung hòa thoái hóa đất vào năm 2030, theo Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Tuy nhiên, để đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng đất đai, cần thêm sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế. Hội nghị COP16 đã đạt được thỏa thuận quan trọng với gần 200 quốc gia cam kết đảm bảo dữ liệu chính xác để hỗ trợ các quốc đảo và quốc gia đang phát triển vượt qua thách thức này.
Theo Báo Tin Tức
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: