Một giờ Tâm lý học Giáo dục của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: VA
Khối ngành sư phạm lập kỷ lục về điểm chuẩn
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa thông báo điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm năm 2024.
Với phương thức sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ): Ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn (29,80 điểm). Tiếp theo là ngành Sư phạm Toán học (29,3 điểm), Sư phạm Tiếng Anh (29,58 điểm), Giáo dục tiểu học (29,44). Ngành có điểm chuẩn thấp nhất theo phương thức xét tuyển này là Khoa học vật liệu (19,70 điểm). Với mức điểm này, thí sinh gần như phải đạt điểm học bạ gần tuyệt đối mới trúng tuyển.
Mức điểm chuẩn này phá vỡ kỷ lục năm 2023. Nếu như năm trước chỉ có một vài ngành sư phạm có điểm chuẩn trên 29, thì năm nay hầu hết đều trên 29 điểm.
Trường Đại học Đà Lạt có mức điểm chuẩn học bạ khối ngành sư phạm tăng cao. Cụ thể, ngành sư phạm Toán có điểm chuẩn 29,25, sư phạm Vật lý 28,5 (tăng 1,5 điểm), sư phạm Sinh học 28 (tăng 4 điểm), sư phạm Lịch sử 28,75 (tăng 2,75 điểm).
Ở phương thức xét tuyển thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, hầu hết các ngành sư phạm đều có điểm chuẩn (điểm trung bình lớp 12) của môn chính gần như tuyệt đối. Toán 9,8 điểm và Vật lý 9,7 điểm; các ngành sư phạm khác từ 9,5 đến 9,6 điểm.
Tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có mức điểm chuẩn hầu hết các ngành sư phạm đều tăng so với năm trước. Hầu hết tất cả các ngành đều tăng từ 1 - 2 điểm, đặc biệt có nhiều ngành tăng 4 - 5 điểm.
Cụ thể, điểm chuẩn của ngành Giáo dục Mầm non năm nay là 23 điểm, trong khi năm ngoái chỉ 18 điểm, tăng 5 điểm; ngành Giáo dục Chính trị tăng 3 điểm lên 26,25 điểm; ngành Sư phạm Âm nhạc tăng 4,5 điểm từ 20,5 lên 25 điểm; ngành Quản lý tài nguyên môi trường và ngành Vật lý kỹ thuật tăng 4 điểm, từ 15 lên 19 điểm.
Các ngành khác tăng từ 1 - 3 điểm như: ngành Giáo dục Chính trị từ 23 lên 26,25 điểm; Sư phạm Tin học từ 24,2 lên 26,45; Sư phạm Vật lý từ 27 lên 28,4 điểm; Sư phạm Sinh từ 25,75 lên 27,5 điểm; Sư phạm Lịch sử 26,75 tăng lên 28,1 điểm…
Các ngành mới mở tuyển sinh năm đầu cũng lấy điểm khá cao. Cụ thể ngành Quan hệ công chúng 26,45 điểm; ngành Sư phạm Mỹ thuật điểm chuẩn 25,25 điểm.
Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) có mức điểm chuẩn học bạ cao nhất là ngành Sư phạm Toán với 29,3 điểm. Trong khi đó có mức điểm này năm ngoái là 29 điểm.
Thí sinh có nhiều chứng chỉ kết hợp
Năm nay, điểm chuẩn xét tuyển sớm tăng cao. Trường Đại học Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn tuyệt đối 30/30 cho hai tổ hợp xét tuyển vào ngành luật kinh tế. Nhiều ngành, tổ hợp khác có điểm chuẩn trên 29 điểm.
Nhiều ngành tại Học viện Ngân hàng có điểm chuẩn học bạ THPT lên đến 29,9 điểm. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt bình quân 9,67 điểm/môn mới trúng tuyển vào các ngành kiểm toán, ngân hàng, ngân hàng số, tài chính, công nghệ tài chính, kinh doanh quốc tế, luật kinh tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Trường Đại học Ngoại thương có một số ngành khi quy đổi về thang điểm 30 có điểm chuẩn lên đến 29,5 điểm.
Đứng đầu trong bảng kết quả điểm chuẩn xét tuyển sớm của Trường Đại học Thương mại là ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với điểm chuẩn là 29,25 điểm ở phương thức xét học bạ đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia (năm 2023 điểm chuẩn xét tuyển của ngành này là 27,50).
Lý giải về mức điểm tăng cao, đại diện Trường Đại học Thương mại cho biết, điểm chuẩn xét tuyển năm nay cao hơn rất nhiều, các thí sinh đều có chứng chỉ quốc tế cao hơn, số lượng các em đăng ký thi đánh giá năng lực cũng tăng đột biến.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Năm nay, nhà trường vẫn giữ truyền thống như mọi năm là dành khoảng 15-20% tổng chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, còn lại 80-85% chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa”.
Theo kết quả xét tuyển sớm đại học chính quy 2024 của Trường Đại học Giao thông vận tải, điểm chuẩn các ngành dao động từ 18 - 28,80 với 2 phương thức: xét kết quả học tập trung học phổ thông và xét tuyển kết hợp (áp dụng cho tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội).
Nói về mức điểm chuẩn xét tuyển sớm năm nay tăng hơn, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa cho biết, các thí sinh ngày càng yêu thích các ngành nghề của Trường Đại học Giao thông vận tải, do vậy số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào rất đông. Mặt khác, chỉ tiêu dành cho phương thức này lại chiếm tỉ lệ khá nhỏ dẫn đến điểm chuẩn đầu vào tương đối cao.
Theo LÊ VÂN (Báo Tin tức)