Cách ứng phó với COVID-19 khác lạ của một số quốc gia châu Phi

24/04/2020 - 08:21

Hầu hết các quốc gia châu Phi đã đưa ra một số biện pháp giãn cách xã hội, từ phong toả một phần đến toàn bộ, áp dụng lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập đông người, nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một nhóm quốc gia khác trong khu vực lại có quan điểm trái ngược trong việc đối phó với dịch COVID-19.

Người dân vẫn tiếp tục buôn bán tại thành phố Dar es Salaam, Tanzania, nơi Tổng thống John Magufuli đã kêu gọi mọi người tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Tanzania và Burundi là hai quốc gia điển hình ở châu Phi không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Người dân tại đây vẫn được phép tham dự các nghi lễ tôn giáo, các sự kiện xã hội và đều đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong năm nay. Burundi sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 5 và cuộc bầu cử tổng thống tại Tanzania sẽ diễn ra vào tháng 10, bất chấp mối đe dọa từ dịch bệnh nguy hiểm do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Mặc dù Tanzania đã đóng cửa các trường học, cấm các hoạt động thể thao và kêu gọi người dân thực hành vệ sinh sạch sẽ để ngăn chặn virus lây lan, nhưng quốc gia này vẫn cho phép người dân đến nhà thờ và tiếp tục hoạt động thường ngày để duy trì nền kinh tế. Điều này trái ngược hoàn toàn các quốc gia láng giềng như Kenya, Uganda hay Rwanda, khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm ngặt hơn.

Tổng thống John Magufuli cho biết ông sẽ “không chịu khuất phục trước áp lực không đáng có” để phong toả thủ đô thương mại Dar es Salaam của đất nước hoặc bất kỳ thành phố nào khác của Tanzania.

“Tôi sẽ không đóng cửa Dar es Salaam. Bạn muốn tôi yêu cầu mọi phương tiện ngừng vận chuyển gạo và khoai tây đến thành phố? Bạn muốn tất cả phụ nữ bán hàng ngoài chợ phải đóng cửa hàng và quay trở về nhà? Tôi sẽ không phong toả Dar es Salaam, không bao giờ”, ông Magufuli nhấn mạnh hôm 22-4 và giải thích rằng thành phố cảng này tạo ra hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội, việc phong toả sẽ khiến nền kinh tế Tanzania bị tàn phá nghiêm trọng.

Tanzania đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 hôm 16-3. Con số này liên tục gia tăng trong vòng 2 tuần qua, từ 32 trường hợp hôm 12-4 lên tới 284 trường hợp và 10 ca tử vong hôm 22-4. Điều này đã khiến một bộ phận người Tanzania, bao gồm các chính trị gia đối lập, đề nghị tổng thống cần đưa ra các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn để kiểm soát sự bùng phát của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh

Người dân Tanzania đi mua hàng tại một siêu thị ở thành phố Dar es Salaam. Ảnh: UN

Tổng thống Magufuli đã chỉ trích các quan chức y tế khi họ ra lệnh phun thuốc khử trùng tại một số thành phố, ông cho biết điều này không thể ngăn chặn dịch bệnh.

“Bạn không thể giết chết virus SARS-CoV-2 bằng Clo. Điều đó chỉ có thể loại bỏ muỗi, gián. Từ hôm nay, tôi yêu Bộ trưởng Y tế phải dừng tất các hoạt động khử trùng tại Tanzania”, ông nói.

Ông cũng kêu gọi Ngân hàng Thế giới xóa các khoản nợ mà các nước nghèo đang phải gánh chịu nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Ông cho biết Tanzania đã phải chi khoảng 302 triệu USD hàng tháng để trả các khoản nợ của mình, trong đó 86 triệu USD sẽ được gửi đến Ngân hàng Thế giới.

Magufuli cũng khuyến khích người dân trở về với Chúa. Ông cho rằng Chúa sẽ giúp các quốc gia Đông Phi thoát khỏi đại dịch, thông qua những lời cầu nguyện chứ không phải bằng cách đeo khẩu trang thông thường.

Burundi, quốc gia láng giềng cũng đã có lập trường tương tự. Các công dân của quốc gia này vẫn được phép tiếp tục hoạt động thường ngày. Nước này cũng đang cấp bách chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/5.

Chú thích ảnh

Người dân được hướng dẫn rửa tay phòng ngừa bệnh COVID-19 tại Burundi. Ảnh: Getty Images 

Tính đến thời điểm hiện tại, Burundi đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong. Nhiều nhà lãnh đạo Burundi cũng tuyên bố rằng đất nước của họ sẽ thoát khỏi dịch COVID-19 vì được Chúa bảo vệ.

Tổng thống Pierre Nkurunziza đã quyết định tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2015, điều này đã gây ra xung đột bạo lực ở một quốc gia nơi có khoảng 2/3 dân số đang sống trong hoàn cảnh nghèo đói. Burundi cũng có một hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, thiếu nhân viên và thiết bị y tế trầm trọng. Hiện tại, quốc gia này chủ yếu dựa vào các khoản hỗ trợ để đối phó với đại dịch COVID-19.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)