Cảm hứng khởi nghiệp

05/05/2023 - 06:21

 - Tỉnh đoàn vừa phối hợp Đoàn Trường Cao đẳng Nghề An Giang tổ chức Diễn đàn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên năm 2023. Qua đó, kịp thời định hướng, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Đây là hoạt động thường xuyên của Tỉnh đoàn những năm gần đây, với mong muốn tạo cầu nối, gặp gỡ trực tiếp giữa các diễn giả là doanh nhân, chủ doanh nghiệp (DN), những người đã từng có kinh nghiệm khởi nghiệp với học sinh, sinh viên. Để các buổi gặp gỡ gặt hái được nhiều kết quả, nội dung phong phú, các diễn giả được mời hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, có sự trưởng thành nhất định dù độ tuổi kinh doanh ngày càng trẻ hóa. Từ đó, tiếp thêm động lực cho các sinh viên khởi nghiệp.

Điển hình như câu chuyện của chị Phan Trần Ngọc Duy (chủ DN kinh doanh trà sữa Misa) thật sự cuốn hút sinh viên. Từ khởi đầu là nhân viên văn phòng đến bán trà sữa lề đường, sau 8 năm, chị đã trở thành chủ DN trà sữa, mang lại lợi nhuận cho bản thân và giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho sinh viên

“Tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ, tôi vào làm việc cho một công ty viễn thông, sau đó nghỉ việc và bắt đầu hiện thực hóa ước mơ tự kinh doanh bằng mô hình bán trà sữa trước cổng Trường Đại học An Giang. Những ngày đầu tập tành buôn bán, tôi gặp không ít khó khăn khi nhiều người dè bỉu, cho rằng đi làm việc văn phòng với mức lương khá cao mà sao không tiếp tục, lại phải đi bán hàng lề đường với thu nhập ba cọc, ba đồng".

Lúc đó, tôi tự nhủ rằng, mình hiểu những gì mình đang làm, mình có sở trường và đam mê thì mới bắt đầu và gắn bó lâu dài với công việc. Quả thật, sau 8 năm miệt mài vừa làm vừa học hỏi kiến thức, kỹ năng quản lý, tôi đã tạo nên chuỗi trà sữa Misa, từng bước khẳng định chất lượng trà sữa với khách hàng TP. Long Xuyên” - chị Ngọc Duy chia sẻ.

Câu chuyện của chị Ngọc Duy đã đặt ra câu hỏi cho nhiều bạn trẻ rằng, giữa cái mình giỏi (có chuyên môn) và cái mình yêu thích thì nên chọn yếu tố nào để khởi nghiệp. Nữ doanh nhân trẻ thẳng thắn: “Là những sinh viên trẻ trung đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới ra trường, các bạn chưa có gì trong tay ngoài những kiến thức đã được trang bị, vậy thì hãy làm thật tốt chuyên môn, thật giỏi lĩnh vực mà mình đã học tập. Đó là điều kiện để bạn có thể học tập và trải nghiệm, làm quen với nhiều môi trường kinh doanh khác nhau. Khi bạn đã đủ kinh nghiệm, kỹ năng sống và làm việc, có được chút vốn tích lũy từ công việc bạn làm giỏi, khi đó bạn có quyền lựa chọn công việc, khởi nghiệp ở lĩnh vực bạn đam mê”.

Với chị Nguyễn Ngọc Lan Đình (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh An Giang), kinh nghiệm khởi nghiệp không có gì ngoài sự đam mê và dấn thân. Từ một giáo viên dạy ngoại ngữ, chị Đình trở thành thợ trang điểm cô dâu nhiều năm, sau bén duyên với nghề bất động sản và kinh doanh lĩnh vực y tế…

Với chị Đình, kinh doanh hay lựa chọn ngành nghề để khởi nghiệp thì yếu tố đam mê đã quyết định đến 60-70%. Từ chỗ mình có sở trường, có tay nghề, đam mê sẽ tạo nên sự tự tin cần thiết, sau đó là cần có kế hoạch thực hiện, phải biết quản lý rủi ro trong kinh doanh và kịch bản khác nếu công việc kinh doanh không thuận lợi.

Một yếu tố chị Đình chia sẻ thêm, đó là nghề mình chọn để khởi nghiệp cần phù hợp với nhu cầu của xã hội, trong cách làm việc cần có sự linh hoạt, nhạy bén, hiểu tâm lý khách hàng, xây dựng mối quan hệ và giữ gìn chữ tín mới có thể kinh doanh lâu bền.

Cùng quan điểm chị Lan Đình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang Trương Thanh Thúy chia sẻ: "Thật ra, các bạn không nên nghĩ khởi nghiệp là việc làm quá khó, quá sức với bản thân. Các bạn hãy nuôi dưỡng những ý tưởng kinh doanh, đầu tư học tập và tìm hiểu ở lĩnh vực mình yêu thích. Khi có đủ sự thôi thúc trong tâm, cộng thêm những yếu tố thuận lợi bên ngoài thì mình nên dấn thân khởi nghiệp.

Ban đầu, có thể còn nhiều khó khăn, các bạn cần tự trang bị cho mình nhiều kiến thức, kỹ năng làm việc trong xã hội ngày càng phát triển của thời đại 4.0. Cùng với đó, luôn có tinh thần học hỏi những người khởi nghiệp đi trước, bởi thành công hay thất bại của họ đều là những bài học vô cùng quý giá".

Qua buổi trò chuyện ngắn ngủi, các diễn giả không thể trao đổi, chia sẻ hết những kinh nghiệm khởi nghiệp đã trải qua nhưng chí ít đã khơi gợi tinh thần khởi nghiệp, dấn thân làm việc cho giới trẻ. Từ diễn đàn, Tỉnh đoàn cũng nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những thắc mắc của các bạn sinh viên để giải đáp, hỗ trợ kịp thời, giúp các bạn trẻ có được sự gợi mở, định hướng và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp.

NGỌC GIANG