Cán bộ, đảng viên ứng xử đúng với mạng xã hội - Kỳ 1: Thực hiện nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm

28/09/2023 - 14:32

 - Mạng xã hội hiện nay rất phổ biến, giúp việc đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh theo quan điểm, ý kiến của cá nhân người đăng rất thuận tiện. Đây cũng là những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng mở rộng và phát huy ở xã hội ngày nay đối với tất cả người dùng.

Đối với các cán bộ và đảng viên cũng có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và suy nghĩ, đưa ra đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề xã hội,... giúp cho xã hội ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít cán bộ, đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh... làm ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Do đó, cán bộ, đảng viên cần ứng xử đúng với mạng xã hội.

Thông tin trên mạng xã hội nhiều vô kể, trong đó có thông tin bịa đặt, xuyên tạc, chưa được kiểm chứng. Bản thân các đảng viên, cán bộ nói riêng và người đọc nói chung cần “tỉnh táo” để xác định thông tin nào đúng, thông tin nào bịa đặt, xuyên tạc... Bởi nếu không rõ đúng, sai mà dẫn lại, bình phẩm, chia sẻ..., thì đó là thái độ không đúng mực, thậm chí sai trái của đảng viên. Hoặc đăng những thông tin chưa được kiểm chứng, hay cố tình đăng ý kiến không rõ ràng dẫn dụ người xem bình luận những lời mà người đăng muốn nhắm vào cá nhân nào đó... những biểu hiện kể trên rất đáng phê phán.

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Trung ương đã ban hành Quy định 47/QĐ/TW, ngày 1/11/2011 “Quy định về những điều đảng viên không được làm”, với 19 điều cụ thể, rõ ràng. Ngày 15/3/2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có Hướng dẫn 03/HD/UBKTTW nêu chi tiết về những điều đảng viên không được làm.

Là đảng viên, mỗi người có trách nhiệm xây dựng tổ chức của mình ngày càng phát triển, trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt vai trò, chức trách được giao. Đồng thời, luôn giữ gìn uy tín, thanh danh cho tổ chức. Những cá nhân đảng viên có động cơ không lành mạnh, làm ngược lại điều đó thì cần thiết cho ra khỏi tổ chức.

Quy định ứng xử của cán bộ ngành Ngân hàng và Vietcombank

Hội đồng quản trị Vietcombank đã ban hành Nghị quyết 630/NQ-VCB-HĐQT và Quyết định 16/QĐ-HĐQT-QLRRHĐ, ngày 7/1/2021 về việc ban hành Quy định ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dựa trên các quy định của Nhà nước và ngành Ngân hàng. Trong đó, có quy định cán bộ, nhân viên không được công khai bình luận đối với các thông tin chưa kiểm chứng, thông tin không dẫn chiếu nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp về ngân hàng, lãnh đạo, cán bộ hoặc khách hàng liên quan đến các giao dịch thực hiện với Vietcombank. Tuyệt đối không được phát tán thông tin sai lệch, thiếu chính xác và mang tính chủ quan cá nhân về ngân hàng, lãnh đạo, cán bộ của Vietcombank hoặc khách hàng liên quan đến các giao dịch thực hiện với Vietcombank gây tổn hại đến thương hiệu, uy tín của Ngân hàng, lãnh đạo hoặc khách hàng. Là cán bộ, đảng viên của Vietcombank phải thực hiện nghiêm quy định của đơn vị.

Nhân viên Vietcombank An Giang tích cực hỗ trợ khách hàng

Mạng xã hội “Con dao hai lưỡi”

Hiện nay, có nhiều mạng xã hội khác nhau, phổ biến nhất có nhiều người dùng như: Facebook, Zalo, Instagram... Người Việt Nam dùng nhiều nhất là Facebook, Zalo. Việc sử dụng mạng xã hội mang lại một số lợi ích, như: Mở rộng một số quyền tự do cá nhân; cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế; cải thiện và nâng cao một số kỹ năng sống; bày tỏ cảm xúc, chia sẻ cảm xúc và nắm bắt tâm trạng của nhiều người khác; có khả năng tạo ra các trào lưu...

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại. Bên cạnh việc kết nối những người không tốt, bị mất thời gian với nó, bị “nghiện”, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc một số phiền toái khác, mạng xã hội còn có những tác hại không nhỏ. Có thể kể đến, như: Tiếp cận những thông tin sai sự thật; bị dẫn dắt, bị lôi kéo để có suy nghĩ và hành động sai trái, lệch chuẩn; bị lừa đảo, bị lợi dụng; dễ dẫn đến việc say sưa các giá trị ảo (dễ sa vào xu hướng “câu view”, “câu like” (luôn muốn có nhiều người xem, nhiều người bày tỏ thái độ yêu thích…))...; thúc đẩy xu hướng bạo lực, chỉ trích...         

Không phải chỉ có giới trẻ mới rơi vào các tác hại này mà ngay cả cán bộ, đảng viên nếu không tỉnh táo vẫn có thể bị tác động và trên thực tế đã có không ít người sử dụng mạng xã hội không tích cực, thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các ý đồ sai trái. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở nhóm người sử dụng mạng xã hội lớn tuổi và ít có kiến thức về công nghệ thông tin, sự cả tin và chịu sự tác động của các tin giả, tin xấu lại nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Và trong trường hợp này, không loại trừ cán bộ, đảng viên lớn tuổi, nhưng ít có kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội có thể trở thành những người bị lợi dụng, bị tác động tiêu cực nhiều nhất. Bên cạnh đó, những cán bộ, đảng viên trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt nhưng lại có hạn chế về kiến thức, nhận thức.

Lưu ý khi sử dụng mạng xã hội

Bên cạnh nhiều tiện ích, các trang mạng xã hội cũng đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên càng phải thận trọng hơn, chớ cả tin với những gì đọc được trên mạng xã hội. Bởi mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video… quý giá mà chúng ta vô tình “nhặt được” từ bạn bè của mình. Từ đó, có thể cung cấp cho chúng ta những tư liệu hay hoặc gợi mở để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và tìm thấy những thông tin cần thiết, có ích.

Không chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác: Mạng xã hội cho phép người dùng về cơ bản là tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ nhiều loại thông tin, hình ảnh, tư liệu. Gần đây, một số dịch vụ mạng xã hội có tính năng “lọc”, là một hình thức kiểm duyệt, như Facebook sẽ hạn chế cho đăng những hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục (như khỏa thân, lộ các bộ phận nhạy cảm của cơ thể…) hay có tính chất bạo lực (cảnh đánh nhau, có đổ máu…). Thế nhưng, với các nội dung khác, các mạng xã hội gần như không kiểm duyệt và trên thực tế cũng không thể kiểm duyệt. Do đó, người sử dụng cần phải thận trọng với tất cả các thông tin, hình ảnh mà mình chia sẻ, trích dẫn, để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc thông tin có dụng ý xấu.

Từng cán bộ, đảng viên nên xem nguồn gốc của thông tin có chính thống; tìm hiểu người đưa thông tin này; tìm hiểu động cơ, mục đích của người đưa thông tin này; thông tin đó có lợi cho ai; thái độ của người đăng tải. Đồng thời, nên nghĩ về hậu quả đối với bất kỳ hành vi nào: Một số người sử dụng mạng xã hội cho rằng “mình thích thì mình đăng thôi”, nhưng không phải trường hợp nào cũng có lợi hoặc đơn giản là vô hại. Do đó, mỗi status, mỗi bài viết được đăng công khai đều cần nghĩ đến hậu quả và tác động của nó.

Cần bày tỏ thái độ, quan điểm khi cần thiết: Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Các hình thức biểu thị thái độ tùy theo tính chất của vấn đề và mối quan hệ với chủ nhân thông tin đó có thể lựa chọn: Trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mà mình cho là chưa phù hợp; thể hiện ý kiến ngay bằng các bình luận dưới bài; chia sẻ link hoặc dẫn lại thông tin từ trang của người đó và phản bác hoặc khen ngợi trên trang của chính mình; chép lại thông tin chưa phù hợp và “nói lại” về thông tin đó ở trang của mình.

Riêng với các link bài trên một trang Facebook của người khác, người phản đối hoặc muốn bạn mình đọc được thông tin đó có thể gắn tên (tag) người đó trong một bình luận. Ngoài ra, có thể dùng các biểu tượng, sticker để biểu lộ thái độ. Chẳng hạn, đọc một link chia sẻ về một gương học tập và làm theo Bác Hồ xúc động, chúng ta có thể “thả tim”; đọc một chia sẻ về hành vi sai trái của một người nào đó, ta có thể dùng biểu tượng “phẫn nộ”…

PHAN HÙNG THỨC

Kỳ 2: Những lưu ý khi sử dụng mạng xã hội