Cần chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

19/09/2023 - 15:43

Với chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó", phiên chuyên đề 1 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 19/9 tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh,…

Các đại biểu khách mời dự trao đổi Phiên thảo luận chuyên đề 01 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

* Dỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên cho biết, nếu như các năm 2021 - 2022, doanh nghịệp Việt Nam rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng… Đến năm 2023, do tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm… Do đó, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó.

Từ thực trạng trên, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đưa ra đề xuất về chính sách thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay. Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, nhiều giải pháp kịp thời được đưa ra nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Lãi suất sau 4 lần điều chỉnh đã giảm nhưng hiện vẫn ở mức cao. Do đó, cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có cơ quan độc lập đánh giá hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn.

Đề xuất tiếp theo là dỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp. Các cơ quan cần rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.

Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan để thu hút du khách trong và ngoài nước...

Về chính sách cho trung tâm tài chính, bà Lê Hồng Thủy Tiên cho biết, có nhiều lợi ích nếu thành lập trung tâm tài chính ở Việt Nam như doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan như bất động sản, vui chơi, giải trí... tạo động lực mạnh mẽ phát triển toàn diện địa phương. Do đó, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất, các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trung tâm tài chính.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà nhiều doanh nghiệp chân chính, chịu khó đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững. Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh “đổ thừa” do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.

Điều hành lãi suất thận trọng, hợp lý

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao, nhất là những thị trường Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.... Do dịch COVID-19, lượng hàng tồn kho ở các thị trường này rất cao, khiến đơn hàng bị suy giảm.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp, cụ thể: thường xuyên, kịp thời theo dõi diễn biến kinh tế thế giới nhất là sự điều chỉnh chính sách tại các thị trường lớn để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp; tham mưu Chính phủ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để có biện pháp ứng phó. Bộ cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, mời các nhà phân phối lớn trên thế giới đến Việt Nam nhằm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa. Đối với các thị trường khác như Trung Quốc, Châu Phi... Bộ Công Thương cũng có kế hoạch xúc tiến thương mại vào các thị trường này.

Đề cập về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Theo ông Đào Minh Tú, điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. Trên thế giới, từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh tăng lãi suất và đang duy trì mức 5,5%, cao nhất trong 40 năm qua. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cách đây một tuần cũng đã tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023 và duy trì mức lãi suất 4,5%, mức cao nhất kể từ khi ECB được thành lập.

Trong khi lãi suất cả thế giới đang tăng thì riêng ở Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời thông qua những công cụ của mình để tạo dư địa, để các ngân hàng thương mại có vốn rẻ cho vay lãi suất thấp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 7,9%/năm đối với cho vay mới, lãi suất huy động tiền gửi là 4,7%/năm. Việc giảm lãi suất phải từng bước và chắc chắn có "độ trễ" bởi có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn. "Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất hợp lý trên cơ sở đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, lợi nhuận hợp lý và đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng, an toàn nền tài chính quốc gia", ông Đào Minh Tú khẳng định.

Ông Đào Minh Tú nhận định, điều hành tỷ giá là một trong những thành công của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua. Lãi suất và tỷ giá là công cụ điều hành để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều, Phó Thống đốc cho biết sẽ phải điều hành vấn đề trên hết sức “chặt chẽ và hợp lý”.

Trên thực tế, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn như hạ lãi suất điều hành, cho phép giãn, hoãn cho các khoản nợ đến hạn, cắt giảm chi phí, thủ tục, điều kiện tiếp cận vốn vay,... Bên cạnh đó, nhiều gói chính sách đã được triển khai như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất; gói 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm sản, thủy sản... hỗ trợ vốn các doanh nghiệp.

Về việc tiếp cận tín dụng, theo Phó Thống đốc, phải đánh giá từ hai phía: ngân hàng và người đi vay là các doanh nghiệp. Bởi tín dụng là khoản vay có hoàn trả chứ không phải là cấp phát nên phải có các điều kiện để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như với các tổ chức tín dụng.

Theo PHAN PHƯƠNG (TTXVN)