Cần có giải pháp phát triển làng nghề

21/02/2024 - 06:26

 - Phát triển làng nghề góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tăng thu nhập cho người dân. Do vậy, các cấp, ngành cần có giải pháp hiệu quả, bền vững cho những làng nghề.

Nhiều làng nghề trong tỉnh An Giang đang đối mặt sự cạnh tranh sản phẩm và thị trường, trong khi cơ sở sản xuất của làng nghề hầu hết là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, ít vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, sản xuất.

Điển hình như làng nghề tiểu thủ công nghiệp bó chổi cọng dừa, tập trung ở ấp Tây Bình A (xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn). Từ 4 - 5 hộ làm chổi vào năm 1990, bán quanh quẩn trong xã, sau thấy có nhu cầu tiêu thụ nên nhiều hộ làm theo. Làm chổi không khó, tận dụng cây dừa tại chỗ hoặc mua xung quanh, thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, nhất là với người cao tuổi.

Bà Đặng Thị Ba (88 tuổi) là một trong những người khởi đầu làm chổi, nhưng có người nói ông Sáu Quang (đã mất), ông Cà Quao làm chổi bán lẻ từ trước đó. Qua thời gian, nhiều hộ đã vươn lên khấm khá, số lượng người làm chổi cứ tăng lên như một làng nghề, sản phẩm tiêu thụ ở nhiều nơi. Đến ngày 7/10/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1879/QĐ-UBND công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp bó chổi cọng dừa xã Vĩnh Chánh.

Qua gần 14 năm, làng chổi nhiều lúc sôi động, có khi sản xuất cầm chừng, thậm chí bị “ngưng trệ”. Tuy nhiên, hoạt động này đã góp phần quan trọng cho hàng trăm lao động có thu nhập. Làng chổi hiện có 62/607 hộ ấp Tây Bình A hoạt động thường xuyên và không thường xuyên.

Chị Lê Thị Thanh Kiều đã có 25 năm làm nghề bó chổi. Sau khi nghỉ học, con gái cũng tham gia, lúc rảnh rỗi con trai đang học cũng phụ giúp. Mỗi ngày, chị làm khoảng 12 - 15 cây chổi, bán 17.000 đồng/cây, trừ cọng dừa, bẹ dừa, trúc, dây quấn, bình quân thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Với lao động có tay nghề cao có thể làm được khoảng 20 - 22 cây chổi/ngày.

Các hộ ở đây khi làm xong sản phẩm giao cho mối (hiện có 3 - 4 hộ vựa chổi), nếu bỏ công làm thuê cũng có thu nhập tàm tạm, tùy theo năng suất lao động. Chổi cọng dừa tại làng nghề có 2 dạng (chất lượng cao và chất lượng thông thường), nhưng thực tế có 4 loại (loại nhất, loại vừa, loại nhỏ, loại quét bếp), bán ở trong tỉnh và các địa phương khác có nhu cầu.

“Nếu Nhà nước có giải pháp hiệu quả, bền vững cho phát triển làng nghề, hộ sản xuất của chúng tôi sẽ có thu nhập cao hơn, bởi nguyên liệu (cọng dừa) đều mua ở tỉnh Bến Tre, Kiên Giang. Người sản xuất chỉ làm công, nguyên liệu phải thông qua chủ vựa. Đặc biệt, cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho các hộ; đầu tư xây dựng thương hiệu; nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động làng nghề, tạo vùng nguyên liệu ổn định, môi trường bền vững cho lao động, nhất là giá đầu vào và đầu ra có lợi cho sản phẩm, tránh bị ép giá” - các bà Nguyễn Thị Thiện, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Võ Thị Mai, ông Lê Văn Nhân... kiến nghị.

Các hộ còn bổ sung, Nhà nước nên kết hợp với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng website giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để làng nghề có định hướng sản xuất, bán ra phù hợp, không bị lệ thuộc về nguyên liệu, giá cả. 

Ông Huỳnh Tấn Tài (công chức thống kê - nội vụ, UBND xã Vĩnh Chánh) cho biết, địa phương có 4 ấp, 2.330 hộ, khoảng 10.000 dân, giao thông chính đến các ấp, liên ấp dài khoảng 8km, phần lớn được nhựa hóa, lưu thông rất thuận tiện. Riêng hộ sản xuất ở làng nghề ấp Tây Bình A hiện có 62 hộ (tăng 5 hộ), 220 lao động thường xuyên và không thường xuyên.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Chánh Phạm Ngọc Thanh thông tin, làng nghề chổi ở đây hoạt động rất lâu, qua nhiều thăng trầm, nhưng góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2023, số lượng chổi bán ra thị trường hơn 120.000 cây, giá từ 35.000 - 40.000 đồng/cây. Nhìn chung, sự phát triển của làng nghề có tăng lên, ổn định, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, kỹ thuật sản xuất thủ công, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh sản phẩm làng nghề chưa cao.

Do vẫn còn làm ăn nhỏ lẻ nên tổ chức theo mô hình tập thể (tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác) còn chậm; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, sản xuất mặt hàng còn phân tán. Với chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, làng nghề vẫn chưa có nhãn hiệu hàng hóa, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nội địa và một số tỉnh lân cận thông qua giao dịch. Để phát triển làng nghề ổn định, bền vững, ngành chức năng huyện, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống với khoảng 3.816 hộ sản xuất - kinh doanh; tạo việc làm cho khoảng 12.400 lao động.

N.R