Mở cửa trường học phải đảm bảo an toàn sức khỏe
Dự và chủ trì Phiên giải trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các mặt đời sống, kinh tế-xã hội, nhất là ngành Giáo dục khi kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn… Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và tinh thần.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Bên cạnh đó, giáo viên, phụ huynh, học sinh cũng gặp nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển. Đối với đa số học sinh, trường học là nơi để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khuyến cáo việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em.
"Phụ huynh rất lo lắng cho con em, đưa đến trường học cũng lo lắng, nhưng ở nhà học trực tuyến cũng lo lắng. Theo khảo sát gần đây, ngoài sự chậm trễ trong học hành, nhiều trẻ em chịu cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải chịu lạm dụng và bạo lực. Một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học đi làm và kết hôn sớm", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19 và đã thực hiện mở cửa trường học an toàn, thích ứng với thực tiễn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và đảm bảo chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo...
Đề cập đến quan điểm chỉ đạo và việc triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ ra rằng, bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập cần tập trung giải quyết, đặc biệt yêu cầu đảm bảo an toàn sức khỏe cho thầy, cô giáo và học sinh, cũng như chất lượng giáo dục.
Nhấn mạnh phiên giải trình tập trung vào 2 nhóm vấn đề bao gồm đảm bảo chất lượng giáo dục và an toàn khi mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tập trung vào đúng chủ đề, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành đối với dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19; triển khai Chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 43 của Quốc hội khóa XV.
Đối với việc thực hiện chủ trương mở cửa trường học, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra và các giải pháp để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho giáo viên và học sinh, nhất là đối với học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine; nhìn nhận, đánh giá kết quả việc triển khai cùng lúc các phương thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Yêu cầu vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: "Chỉ còn 3 tháng nữa kết thúc năm học 2021-2022, còn nhiều vấn đề học sinh, phụ huynh quan tâm như việc thi, kiểm tra đánh giá phù hợp với thực tế hiện nay, yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo, vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm học sinh; vấn đề chất lượng đội ngũ, chất lượng sách giáo khoa, tiến độ chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy học, an toàn cho học sinh trên môi trường mạng…".
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan trả lời ngắn gọn, trọng tâm, cụ thể, sát thực vào những câu hỏi đại biểu đặt ra, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, đưa ra các giải pháp, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, địa phương để khi mở cửa trường học đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp.
Triển khai dạy và học linh hoạt
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Công điện gửi Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới. Các địa phương đã chủ động, linh hoạt thích ứng, sẵn sàng chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh trong phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tuy nhiên, do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên đến ngày 20/2, một số tỉnh/thành phố đã quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp. Theo đó, 50/63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp, tỷ lệ học sinh Mầm non đến học trực tiếp đạt 55,8%. Khối Tiểu học, 51/63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến học trực tiếp đạt 79,8%. Khối Trung học cơ sở, 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến học trực tiếp đạt 89,1%. Khối Trung học phổ thông, 62/63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến học trực tiếp chiếm 92,7%.
Đánh giá chung về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2021-2022 là năm học đặc biệt, nhiều địa phương đã tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình; nhiều học sinh chưa được đến trường, chưa được gặp mặt, làm quen, trao đổi trực tiếp với thầy, cô, bạn học. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục; ảnh hưởng tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, học sinh và cha mẹ học sinh. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, sự động viên và tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quan tâm, đồng thuận của cha mẹ học sinh đã góp phần cho ngành Giáo dục hoàn thành được nhiệm vụ năm học, đồng thời bảo đảm chất lượng giáo dục, sẵn sàng thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và phương án dạy học trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn. Đa số giáo viên đồng thuận, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học; chủ động, tự giác học tập, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng và lựa chọn học liệu; bước đầu biết sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học khi được tập huấn. Phần lớn cha mẹ học sinh đồng tình với chủ trương của ngành trong dạy học trực tuyến; tạo các điều kiện học tập cho con em qua máy tính, laptop, điện thoại thông minh, kết nối mạng.
Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, tập trung dạy học những nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn...
Đối với các lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, các địa phương tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và đánh giá học sinh; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; thực hiện rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt đối với các môn học bắt buộc theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp; tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học; tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Tuy nhiên, việc triển khai học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy học trực tuyến khác nhau giữa các địa phương, các gia đình học sinh, việc thiếu thiết bị… gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dạy và học. Nền nếp học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng, chưa chủ động tự giác học tập. Chất lượng học tập theo hình thức học trực tuyến bị hạn chế, không đảm bảo tính bình đẳng do điều kiện về cơ sở vật chất của địa phương. Cha mẹ học sinh còn lo lắng về sự an toàn của trẻ, về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến.
Bên cạnh đó, lương và chế độ chính sách của giáo viên hợp đồng bị ảnh hưởng rất lớn. Một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập phải nghỉ dạy, không có lương (khoảng 126.853 cán bộ quản lý và giáo viên ngoài công lập các cấp học mầm non, phổ thông) có tâm lý rất lo lắng. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh trong nước và thế giới chịu tác động của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến quá trình giáo dục tại các địa phương, dẫn đến việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng sách giáo khoa và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương gặp những trở ngại nhất định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục tăng cường giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp; có chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; công bố thuốc và hướng dẫn dùng thuốc phòng, chống COVID-19 cho trẻ em; đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho F0 trẻ em nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội...
Theo DIỆP TRƯƠNG (TTXVN)