Cần đưa lịch sử An Giang vào chương trình giáo dục phổ thông

22/11/2022 - 06:25

 - Hiện nay, không chỉ bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên thiếu và yếu kiến thức môn Lịch sử, lịch sử địa phương mà nhiều người có trình độ, chuyên môn ở một số lĩnh vực cũng đang thiếu sót về mảng kiến thức này.

Giới trẻ nhạt nhòa lịch sử

Cô Nguyễn Thị Thái Trân (giảng viên ngành Ngôn ngữ và Văn hóa học, Trường Đại học An Giang) cho biết: “Thực trạng hiện nay, sinh viên vốn dĩ ít quan tâm đến các môn học Lịch sử, Văn học từ những năm phổ thông nên khi lên bậc đại học, nhiều sinh viên bị hổng kiến thức nên khó tiếp thu kiến thức mới và đào sâu nghiên cứu ở lĩnh vực, ngành học mình lựa chọn.

Nguyên nhân có thể đến từ sự lơ là, thiếu tinh thần học tập của các em về môn Lịch sử cũng như lịch sử địa phương ngay từ những năm học phổ thông. Cùng với đó là sự thiếu đam mê, không có thói quen đọc sách của giới trẻ nên các em không thể tự trang bị, bổ sung kiến thức cơ bản cho bản thân mình”.

Cần bổ sung hoạt động tham quan, trải nghiệm để học sinh được học nhiều hơn về lịch sử địa phương

Trong một lớp học về chính trị, giảng viên đặt câu hỏi cho các học viên để khảo sát kiến thức cơ bản rằng, tỉnh An Giang được đặt tên vào năm nào, địa giới hành chính như thế nào, quá trình phát triển ra sao, có những di tích lịch sử nào...

Kết quả, ít có học viên nào có thể trả lời một cách đầy đủ và chính xác như kỳ vọng của giảng viên. Đó là một sự thật đáng buồn nhưng cần nhìn nhận lại. Bởi việc hổng kiến thức lịch sử địa phương của cán bộ không đến từ một nguyên nhân đơn thuần là do chính học viên, mà đó là hệ quả lâu dài đến từ sự thiếu quan tâm giáo dục lịch sử địa phương trong nhà trường.

Phải chăng chính sự hời hợt với các môn học Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân của học sinh, sự thiếu đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy của giáo viên mà trong một thời gian dài, không ít học sinh đến sinh viên, những người đã ra trường và công tác trong bộ máy nhà nước vẫn thiếu những kiến thức cơ bản về lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc.

Điều đó đồng nghĩa với sự thiếu hiểu biết về sự hy sinh gian khổ của bao thế hệ cha anh đã cùng nhau vun đắp, dựng xây cho mảnh đất An Giang ngày càng xinh đẹp và cũng chính vì vậy mà thiếu đi sự tự hào, quảng bá của người con An Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đâu là giải pháp?

Quan tâm giáo dục lịch sử địa phương trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang liên tục tổ chức tập huấn cho giáo viên trong tỉnh sử dụng Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2 và hướng dẫn giảng dạy lồng ghép ở tiểu học.

Tại buổi tập huấn trong tháng 10/2022, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang) Võ Văn Quới cho biết: “Tài liệu giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, về truyền thống cách mạng, vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội, về cảnh vật thiên nhiên của An Giang, bổ sung cho nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc triển khai nội dung giáo dục địa phương trong các cơ sở giáo dục tiểu học nhằm bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, có thể tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang ngày càng phát triển thịnh vượng”.

Nội dung giáo dục địa phương góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh, đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong từng khối lớp bảo đảm thiết thực, hiệu quả phù hợp với trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Cô Trần Thị Lệ Thương (Tổ trưởng, giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học “A” thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Nội dung tài liệu giáo dục địa phương được tích hợp và lồng ghép phù hợp, hiệu quả thiết thực vào các môn học và hoạt động giáo dục, giúp học sinh có cơ hội hiểu biết thêm về các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng vùng đất, con người và vẻ đẹp của quê hương An Giang. Từ đó, giúp học sinh bồi đắp và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tự hào về mảnh đất nơi mình được sinh ra và lớn lên”.

Dạy lịch sử không chỉ đơn thuần là truyền đạt những kiến thức định sẵn trong khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dạy sử là giúp học sinh hiểu được lịch sử, từ đó có lòng tự hào dân tộc. Muốn vậy, không chỉ dạy các em những điều có sẵn trong sách giáo khoa, mà còn giúp các em hiểu truyền thống của cha ông, nhất là những truyền thống của địa phương. Đó là cái đích mà môn lịch sử cần hướng tới. Do vậy, không thể coi nhẹ các tiết dạy “lịch sử địa phương” mà mỗi giáo viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo để các giờ học về lịch sử, danh thắng, di tích, các vị anh hùng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với học sinh các khối lớp.

NGỌC GIANG