Cần gửi yêu cầu xử lý hình sự đến cơ quan công an

27/10/2020 - 06:54

 - Vợ chồng ông N.H.N và bà N.T.K.C (cùng sinh năm 1981, ngụ xã Vĩnh Lộc, An Phú) bị 29 hụi viên làm đơn yêu cầu xử lý hình sự vì chiếm đoạt trên 2,8 tỷ đồng.

Các đương sự trình bày sự việc với Báo An Giang

Gửi đơn tố cáo đến Báo An Giang, đại diện 29 hụi viên, bà Trương Thị Lang (sinh năm 1971), bà Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1942), bà Lê Thị Trúc Ly (sinh năm 1981, cùng ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc) cho biết, do là hàng xóm, quen biết nhau từ lâu, họ tham gia nhiều dây hụi do vợ chồng ông N. và bà C. làm chủ. Với mục đích tích lũy tiền, họ tham gia nhiều đầu hụi và mua bán hụi với nhau. Lúc đầu (tháng 1-2016), họ chơi hụi từ vài trăm ngàn đồng, sau đó nâng lên vài triệu đồng rồi đến hàng chục triệu đồng/đầu hụi; từ hụi ngày, nửa tháng đến hụi tháng và năm. Về sau, số người chơi nhiều hơn, giá trị tham gia cũng nâng lên. Vợ chồng bà C. làm ăn uy tín, thu hút nhiều hụi viên, không chỉ ở nơi bà cư trú mà còn lan ra nhiều nơi khác, nhất là ấp Vĩnh Thạnh liền kề. Mức lãi chấp nhận được, việc giao tiền cho người vừa hốt dù có trễ nhưng chủ hụi vẫn thực hiện đàng hoàng, không có cảnh bể hụi.

“Đến đầu năm 2020, nhiều người đứng tên nhiều đầu hụi, việc hốt hụi rất suôn sẻ, nhưng vấn đề khui hụi, số người chơi bao nhiêu… thì không ai biết. Khi có người hỏi, bà C. đưa danh sách người tham gia, không rõ thực hư. Một số người được hốt nhưng chủ hụi không giao tiền, đổ thừa “hụi chết không giao”, tìm cách hứa hẹn. Tuy nhiên, thời gian này, vợ chồng bà K.C xây dựng nhà và mua xe đắt tiền, đất ruộng, thổ cư, cho người thân đứng chủ quyền. Nghi ngờ, các hụi viên tìm hiểu, biết có nhiều người chưa nhận được số tiền hốt chót. Nhiều lần họ đến nhà chủ hụi đòi, nhưng không dám phản ứng mạnh, không báo cho chính quyền địa phương. Dù vậy, vợ chồng bà C. vẫn góp tiền các hụi viên. Đến ngày 2-5, vợ chồng bà  C. tuyên bố bể hụi, không giải thích, không nghe điện thoại và tìm cách né tránh. Bị các hụi viên đến đòi nợ, lúc đầu ông bà C. còn đổ lỗi cho hụi viên. Quá bức xúc, một số hụi viên ẩu đả với ông bà C., được ban Nhân dân ấp Vĩnh Thạnh can thiệp. Sau đó, vợ chồng chủ hụi đóng cửa nhà đi biệt cho đến nay. Tổng số tiền 29 hụi viên bị vợ chồng bà C. chiếm dụng hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là bà Đổ Thị Tiền (850 triệu đồng). Các hụi viên báo tin đến ban Nhân dân ấp, UBND xã Vĩnh Lộc, sau khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện An Phú, yêu cầu xử lý hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông N., bà C.” - các hụi viên phản ánh.

Trưởng ban Nhân dân ấp Vĩnh Thạnh Hồ Văn Lãm cho biết, việc chơi hụi xảy ra khá lâu, địa phương nhiều lần khuyến cáo người dân không tham gia, nhưng không hiệu quả. Các hộ chơi hụi chủ yếu ở 2 ấp Vĩnh Thạnh và Vĩnh Phước. Vừa qua, khi có tin bà C. bị hụi viên vây đánh, nhưng thực chất họ xô đẩy qua lại, đã được can thiệp, xử lý kịp thời nên không xảy ra thương tích. Nhà của vợ chồng bà C. đã đóng cửa nhiều tháng qua, không biết họ ở đâu. Được biết, từ ngày 26-6 đến 9-7-2020, TAND huyện An Phú đã thụ lý vụ án dân sự này.

“Tranh chấp hợp đồng góp hụi” của 29 nguyên đơn và bị đơn là vợ chồng ông N. và bà C. Tổng số tiền cho rằng bị chiếm dụng trên 2,8 tỷ đồng. Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng, triệu tập, thông báo mời làm việc thì 2 bị đơn không có mặt ở nơi cư trú, nhà thường xuyên khóa cửa. Các nguyên đơn cương quyết yêu cầu xử lý hình sự đối với ông N. và bà C. về hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ đó, tòa án đã đình chỉ việc giải quyết dân sự để các nguyên đơn có thể gửi đơn yêu cầu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện An Phú xem xét, giải quyết. 

Luật sư Trần Văn Sáu (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về hụi, họ, bêu có hiệu lực từ ngày 5-4-2019, quy định mở dây hụi phải thông báo cho xã, phường, thị trấn, cùng với nhiều vấn đề có liên quan. Trường hợp chủ hụi tuyên bố bị bể hụi, các hụi viên thương lượng, thỏa thuận nhau, tìm phương án để xử lý vụ việc. Nếu không tìm được tiếng nói chung, có thể khởi kiện vụ việc đến tòa án để xem xét, giải quyết. Từ trước đến nay, pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác. Nếu có đủ cơ sở xác định chủ hụi có hành vi lừa đảo, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nếu có đơn yêu cầu, cơ quan công an xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: N.R