Điều hành xăng, dầu cần linh hoạt hơn
Doanh nghiệp còn gặp khó
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng nhưng “ngại” lên tiếng vì nhiều lý do. Còn Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (DL) An Giang Phan Phạm Cảnh Toàn bày tỏ: “Trong đại dịch COVID-19, DL là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có DN trong ngành DL ví von rằng, công sức gầy dựng mấy chục năm gần như bị “quét sạch” qua mùa dịch. Khi dịch bệnh được khống chế, DL dần phục hồi, DN cần nguồn vốn lớn để tái đầu tư thì lại vướng “room” tín dụng, gây nhiều khó khăn”.
Tương tự, lĩnh vực vận tải gần như “đứng kim” trong đại dịch COVID-19. Khi cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu vận chuyển lớn, là cơ hội để ngành vận tải phục hồi nhưng việc tiếp cận vốn để tái đầu tư hoạt động không hề dễ. Nếu như trước đây, việc ký hợp đồng mua xe theo hình thức thế chấp phương tiện cho ngân hàng khá dễ dàng thì hiện nay, do giới hạn “room” nên DN kinh doanh vận tải khó được duyệt hồ sơ hơn.
Việc giới hạn “room” tín dụng không chỉ gây khó khăn cho DN mà những hộ dân, cá nhân vay vốn thông thường cũng bị ảnh hưởng. “Tôi vay vốn ngắn hạn để sản xuất nông nghiệp, sau 12 tháng, phải vay lãi suất cao bên ngoài để trả vốn đáo hạn ngân hàng. Những năm qua, trả tiền hôm trước là hôm sau được vay lại, nhưng năm nay, cán bộ tín dụng báo hết “room”, phải chờ 10 ngày, có khi hơn nửa tháng mới được giải ngân, gánh nặng đóng lãi ngoài khoảng thời gian này rất lớn” - ông N.M.N (nông dân xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn) bức xúc.
Nhiều DN cho rằng, việc giới hạn cho vay chỉ nên áp dụng đối với những khoản vay mới với số tiền lớn, có yếu tố rủi ro. Đối với những khoản vay trong hạn mức được cấp cho khách hàng từ trước, cần tạo thuận lợi trong vay vốn. “Khi trả vốn xong mà không được giải ngân đáo hạn sớm, DN buộc phải vay bên ngoài với lãi suất cao để xử lý công việc cấp bách. Như vậy, việc siết “room” đang vô tình tạo điều kiện cho “tín dụng đen” phát triển” - ông N.T.S (chủ một DN ở phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) phân tích.
Nên bỏ cơ chế cấp “room” trong quản lý tín dụng
Cần linh hoạt hơn
Việc các DN “khát vốn” nhưng ngân hàng vẫn siết “room” tín dụng từng được đưa ra nghị trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Khi chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về cấp hạn mức tín dụng (room), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ chế này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp, được NHNN Việt Nam duy trì hàng chục năm qua, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay.
Trong nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 3 được Quốc hội thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) cho từng ngân hàng. Thay vào đó, Chính phủ xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Trước yêu cầu thực tế khi ngân hàng đang có vốn, DN cần vốn lại không vay được, đầu tháng 9/2022, NHNN Việt Nam đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) với hạn mức tăng thêm dao động từ 0,7-4%. “Trong trường hợp các ngân hàng sử dụng hết mức “room” tín dụng mới thì tín dụng toàn ngành sẽ tăng khoảng 13,2%, chưa vượt mức 14% theo chỉ tiêu năm 2022. Do vậy, có thể trong tháng 11 này, NHNN Việt Nam sẽ nới “room” thêm từ 0,5-1,2%. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn khi NHNN Việt Nam vẫn rất kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát và tỷ giá” - một chuyên gia kinh tế phân tích.
Chuyên gia này cho rằng, thay vì duy trì cơ chế “room”, NHNN Việt Nam có thể điều hành tín dụng thông qua các công cụ kỹ thuật như Hệ số an toàn vốn (CAR). Đồng thời, có thể điều tiết lượng tiền cung ra thị trường thông qua điều chỉnh lãi suất điều hành. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hệ số an toàn vốn hiện được ngân hàng trung ương nhiều nước sử dụng rất hiệu quả khi điều tiết tín dụng, vừa có tính hiệu lực cao, vừa mang tính thị trường hơn.
Cùng với vấn đề “room”, việc quản lý, điều hành xăng, dầu thời gian qua cũng khiến DN, người dân bức xúc. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (đang diễn ra), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thị trường xăng, dầu vẫn bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam, cho thấy điều hành của các bộ, ngành liên quan còn lúng túng. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang), sự lúng túng diễn ra từ quy định tính đúng, đủ trong giá xăng, dầu, tới điều tiết nguồn cung để kịp thời xử lý thiếu hụt. Việc này gây bức xúc và làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân, DN.
Trước đó, nhận thấy điều hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có vấn đề, 36 DN kinh doanh xăng, dầu phía Nam đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ. Các DN cho rằng, 2 cơ quan này được giao nhiệm vụ điều hành thị trường xăng, dầu nhưng “phản ứng chậm, đùn đẩy trách nhiệm”.
Ý kiến này là có cơ sở khi Bộ Công Thương cho hay đã ít nhất 4 lần đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh, nhưng chưa được đồng thuận. Bộ Công Thương đánh giá việc điều chỉnh chậm là nguyên nhân khiến chiết khấu giảm về “0”, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dẫn đến đóng cửa, bán “nhỏ giọt”. Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc đảm bảo nguồn cung xăng, dầu, các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị DN xăng, dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các DN...
Một trong những yếu tố giúp việc điều hành kinh tế vĩ mô đạt hiệu quả là tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, tránh điều hành kiểu bao cấp. Với tín dụng, cần thay cơ chế cấp “room” bằng điều tiết lãi suất và công cụ kỹ thuật CAR (Hệ số an toàn vốn). Với xăng, dầu, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời theo diễn biến giá dầu thế giới và chi phí trong nước. |
NGÔ CHUẨN