Cần “mạnh tay” xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19

25/08/2021 - 06:25

 - Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch gây nguy hiểm cho xã hội, có thể làm sụp đổ những thành quả phòng, chống dịch của toàn dân và các cấp chính quyền. Do đó, cần phải mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm quy định, để đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg quy định giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người… và bổ sung, đề ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều đáng tiếc, trong khi các cấp chính quyền và nhân dân đang "căng mình" chống dịch thì tình trạng vi phạm quy định vẫn xảy ra.

Bất chấp việc cấm tụ tập đông người, ở các tỉnh vẫn còn tụ tập để Karaoke, ăn nhậu, đá gà sát phạt, đánh bạc, dễ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm. Trên địa bàn tỉnh An Giang, ngày 1-8, Công an huyện Chợ Mới bắt quả tang tại vườn xoài thuộc ấp Long Hòa 2 (xã Long Kiến) có 13 người tụ tập lắc tài xỉu ăn thua bằng tiền. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm nhiều hộp xí ngầu, 5 xe môtô, 12 điện thoại di động, hơn 13 triệu đồng trên người của các con bạc. Phan Thị Thùy Linh (40 tuổi) là người đứng ra tổ chức cho con bạc sát phạt nhau để lấy tiền xâu.

Một vụ vi phạm nghiêm trọng khác xảy ra khoảng 16 giờ, ngày 3-8-2021, khi tổ tuần tra kiểm soát cụm số 4 (huyện Phú Tân) đang trên đường tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg trên tuyến Tỉnh lộ 951. Khi đến khu vực ấp Hòa Hưng 1 (xã Hòa Lạc) thì phát hiện ông Nguyễn Phú Cường (50 tuổi, ngụ tổ 8, ấp Hòa Hưng 1, xã Hòa Lạc) điều khiển xe môtô chạy hướng Hòa Lạc - Phú Hiệp nên tổ tuần tra yêu cầu dừng phương tiện. Ông Cường trình bày, “do ở nhà buồn nên đến nhà của thằng em chơi”, bị tổ tuần tra lập biên bản xử lý vi phạm về hành vi “Ra đường khi không thật sự cần thiết”.

Lúc này, vợ của ông Cường là bà Trần Thị Tuyền (42 tuổi) đến nơi lực lượng công an lập biên bản, dùng lời lẽ thô tục mắng chửi tổ tuần tra. Mặc dù được lực lượng chức năng giải thích nhưng bà Tuyền vẫn có những lời lẽ thô tục. Tổ công tác yêu cầu cưỡng chế đưa bà Tuyền về trụ sở Công an xã làm việc thì bà Tuyền xông đến đánh một công an viên, nên tổ tuần tra tiến hành khống chế đưa bà Tuyền về trụ sở công an. Ngày 17-8, Tòa án nhân dân huyện Phú Tân mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Trần Thị Tuyền về tội “Chống người thi hành công vụ”, tuyên phạt Tuyền 7 tháng tù giam.

Bên cạnh đó, nạn tin giả cũng lan tràn trong thời điểm này. Nhu cầu về tin tức chống dịch COVID-19 của người dân rất lớn, yêu cầu nhanh chóng, đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, các loại tin giật gân, tin giả, tin thất thiệt… cũng nở rộ. Việc tung tin giả có thể là cố ý hay vô tình, nhưng đã ảnh hưởng đến niềm tin người dân vào chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; gieo rắc sự sợ hãi, hoang mang trong xã hội, điển hình như một bộ phận người dân không chịu tiêm vaccine.

Vừa qua, trên mạng xã hội, những thông tin kèm theo hình ảnh như “Người dân quận 12, TP. Hồ Chí Minh sợ tiêm vaccine Trung Quốc nên cùng nhau bỏ cuộc”, “Có người tự thiêu ở TP. Thủ Đức vì tiêm vaccine”… Các cơ quan chức năng, Trung tâm Chống tin giả (VAFC) của Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc, xác định những thông tin trên là tin giả, tin thất thiệt.

ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh An Giang) cho biết, từ năm 2020, dịch COVID-19 được xem là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thuộc nhóm A. Theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ, các hành vi che giấu hoặc không khai báo kịp thời tình trạng của bản thân, hoặc của người mắc COVID-19 sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Hành vi tụ tập đông người tại những vùng đã ban bố tình trạng khẩn cấp COVID-19 sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, nếu các hành vi vi phạm trên làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, bị phạt 1-5 năm tù...

Đối với tin giả phát tán trên mạng xã hội, Luật An ninh mạng (năm 2018) đã quy định: nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc của người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Khung hình phạt từ 30 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 7 năm.

N.R