Thoạt nhìn, căn nhà nổi bật ở nông thôn, với hàng cột to, thiết kế thoáng đãng pha trộn giữa chất liệu gỗ, bê-tông và tole.
Cầu thang được làm bằng gỗ tràm bông vàng, được trồng nhiều ở vùng núi rừng trong tỉnh An Giang. Cách thiết kế “vừa lạ vừa quen” tạo nên góc “sống ảo” thú vị cho khách tham quan. Đồng thời, chúng đối lập với căn nhà tường cạnh bên, nên mang nét chấm phá rất riêng.
Trên cửa chính tầng trên, ông Chau Song tự tay khắc họa tiết vui mắt, cùng dòng chữ bằng tiếng Khmer, đánh dấu ngày căn nhà được thi công “Khởi công ngày 11/4/2021”.
Hoặc ông khắc lời tốt đẹp trên các cánh cửa sổ, mang ý nghĩa Phúc, Lộc, Thọ.
Tay nghề của thợ mộc Chau Song được rèn luyện từ năm 1982 đến nay, sắc sảo trong từng đường nét. Dù ông lớn tuổi, nhưng tay nghề ấy vẫn chưa hề mai một!
Điển hình như hình tượng thần voi Ganesha trên cánh cửa chính. Một lần đi Siem Reap (Vương quốc Campuchia), ông Chau Song rất thích hình tượng này. Ông chụp hình lại, rồi về tỉ mẩn vẽ lại, đục đẽo y hệt. Để hoàn thiện, ông mất gần 2 tháng trời.
Theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, tầng trên của căn nhà sàn dùng để sinh hoạt cộng đồng, như: Cưới gả, làm đám cúng ông bà tổ tiên… Quy chuẩn đặt ra thường là 3 hàng cột (6m), 15 cây. Trần nhà được ông thiết kế theo kiểu nhà hiện đại, nhưng khá hài hòa với tổng thể.
Một góc thờ cúng trong nhà, mang đậm nét văn hóa Phật giáo.
Khác với nhà truyền thống, ông Chau Song quyết định làm 2 căn phòng gỗ, dành cho khách ở xa đến nghỉ ngơi khi nhà có đám tiệc. Ông sử dụng gỗ vụn, gỗ dư đủ kích cỡ, lắp ghép vào nhau, giống như từng viên gạch.
Chị Neang Sa Lân (con gái ông Song) khoe chỗ này, chỗ kia trong nhà bằng vốn từ tiếng Việt ít ỏi: “Cha tôi làm nhà hơn 1 năm trời rồi vẫn chưa xong, nhiều công đoạn tốn kém lắm”.
Ở dưới nhà sàn là cả chục cây cột bằng gỗ bạch đàn thế này. Suốt nhiều tháng trời, ông Chau Song vừa đi kiếm gỗ làm vật dụng theo đặt hàng, vừa tìm mua gỗ để hoàn thiện căn nhà. Tính đến nay, ông đã mua tổng cộng 900 triệu đồng tiền gỗ để dựng căn nhà.
Trong căn nhà ấy, Neang Sóc Dan (17 tuổi, cháu ngoại ông Song) đóng góp tí chút công sức, bằng cách chà, sơn gỗ. Cô bé đang học lớp 12 Trường THPT Chi Lăng, dành thời gian rảnh để giúp ông một tay.
Căn nhà còn ngổn ngang vật tư, còn nhiều phần chưa hoàn thiện, do thiếu nguyên liệu và kinh phí.
Thời gian này, ông Chau Song tiếp tục đục đẽo những chi tiết nhỏ, mong muốn hoàn thành căn nhà vào dịp Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vào mấy tháng nữa. “Tôi thường thức dậy lúc 4 giờ, tranh thủ làm các công đoạn dang dở, suy nghĩ xem cần bao nhiêu cây gỗ… Làm căn nhà này, tôi mất công sức dữ lắm!” – ông chia sẻ.
Phần dưới của nhà sàn rất thoáng mát, dùng để sinh hoạt gia đình, đón khách gần xa. Nụ cười của họ là minh chứng cho niềm hạnh phúc được sống trong không gian văn hóa của dân tộc mình, là nơi họ thuộc về.
KHÁNH ĐĂNG