Cân nhắc quy định ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ

16/01/2024 - 08:19

Nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường chiều 15/1. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 15/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Có hiện tượng gợi ý, ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết vẫn còn băn khoăn trước quy định ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ

Nhắc lại nội dung phát biểu của mình trước đây, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu.

Tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

[Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH)]

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu bổ sung thêm thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính hồi tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%.

Giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

“Mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng”, ông Thịnh nêu.

Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50-100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.

Đại biểu nêu rõ, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại.

Nêu số liệu của một số ngân hàng, đại biểu Thịnh cho biết, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

[Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường chiều 15/1. (Ảnh: DUY LINH)]

Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường chiều 15/1. (Ảnh: DUY LINH)

Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu nhận định, nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”, thì sẽ không có gì bảo đảm cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.

Đại biểu Thịnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Các ngân hàng vốn không có trụ sở bảo hiểm, do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…

Quan tâm đến quy định xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém

Góp ý vào việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ, trong các loại hình tổ chức tín dụng, chỉ có ngân hàng thương mại mới có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng, bao gồm việc kinh doanh cung ứng thường xuyên các nghiệp vụ nhận tiền gửi và cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản và các hoạt động kinh doanh khác theo luật định nhằm mục tiêu lợi nhuận. Qua đó, mới có mức độ ảnh hưởng lớn tới tính an toàn của hệ thống.

Các loại hình tổ chức tín dụng còn lại đều bị giới hạn ở những mức độ khác nhau về phạm vi, quy mô, đối tượng và loại nghiệp vụ được phép kinh doanh, cho nên mức độ rủi ro là có thể chấp nhận.

[Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)]

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Tương ứng với mỗi loại hình có các mức độ, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu khác nhau về quản trị, điều hành..., đối với ngân hàng thương mại sẽ ở cấp độ cao nhất và khắt khe nhất. Theo đại biểu, điều này có nghĩa gần như chỉ loại hình ngân hàng thương mại, bỏ qua những ngân hàng quá nhỏ, mới có khả năng gây nên các vấn đề hoảng loạn, tháo chạy, hay đe dọa rủi ro lan truyền làm mất an toàn hệ thống.

“Những vấn đề như vậy chủ yếu nảy sinh từ những nguyên nhân khách quan như điều kiện kinh doanh tiền tệ bất ngờ thay đổi, xuất hiện các cú sốc tiêu cực, môi trường vĩ mô bất ổn, niềm tin lung lay...”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Từ những phân tích trên, theo đại biểu, những sự cố nghiêm trọng như vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB mới đây lẽ ra rất khó xảy ra và khi xảy ra hệ lụy lẽ ra không tiêu cực đến như vậy, tổn thất không lớn đến như vậy.

“Khi có những sự cố như vậy xảy ra, thông lệ quốc tế và bài học kinh nghiệm đắt giá của Việt Nam đúc rút được đều chỉ ra rằng Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng Trung ương nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu ghi nhận dự thảo Luật lần này đã cầu thị và nghiêm túc tiếp thu và chỉnh lý sửa đổi cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Theo Nhân Dân