Các thông tin cho vay trả góp dễ dàng, nhanh chóng
Tìm kiếm trên internet với từ khóa “vay tiền nhanh”, “vay siêu tốc”, “vay online” sẽ cho ra rất nhiều kết quả liên quan và ứng dụng cho vay trên mạng, trên điện thoại di động (app). Hoặc thông qua các hình thức khác, như: phát tờ rơi tại nơi công cộng, dán quảng cáo trên các cây xanh, cột điện, nhắn trực tiếp bằng tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội có nội dung: “Cho vay nhanh không cần thế chấp”, “Chỉ cần có chứng minh nhân dân, giấy báo tiền điện là vay được ngay”, “Cho vay trả góp, không cần thế chấp”, “A lô là có tiền”…
Với các lời mời chào, quảng cáo cho vay nhanh, lãi suất thấp, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh chỉ với một số thủ tục đơn giản, như: tải app và đồng ý cho app truy cập danh bạ, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe… không ít người vay đã nhanh chóng bị sập bẫy, rơi vào "mê cung" của “tín dụng đen” có lãi suất rất cao và kéo theo những hệ lụy khôn lường... Nếu người vay không trả tiền hoặc trả lãi đúng thời hạn, các đối tượng cho vay sẵn sàng đe dọa, khủng bố tinh thần con nợ.
Chị Trần Thị H. (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết, do dịch bệnh không có việc làm nên chị đã vay “tín dụng đen” 20 triệu đồng, thời hạn trả 3 tháng. số tiền lãi chị H. phải trả từ 7-10 triệu đồng, tương đương mức lãi suất khoảng 0,39-0,6%/ngày, lãi suất theo năm sẽ lên tới 142-219%/năm.
Sau đó, khi chị H. trễ hạn thanh toán 3 ngày, bộ phận đòi nợ liên tục điện thoại, nhắn tin thông báo số tiền chị nợ, gồm: số tiền gốc + tiền lãi + tiền phạt. Không những vậy, còn đe dọa nếu chị không đóng đủ tiền vào đúng ngày, họ sẽ đến nhà. Sau nhiều tháng không có thu nhập để trả tiền gốc, chỉ trả tiền lãi+tiền phạt, chị H. bị chủ nợ nhắn tin, điện thoại thường xuyên, liên tục từ những câu nói ngọt ngào đến những lời lẽ đe dọa, khủng bố. Cuối cùng, chị H. phải nhờ đến người thân để trả hết số nợ vay, thoát khỏi “tín dụng đen”.
Cũng giống như chị H., anh Nguyễn Văn V. (ngụ TP. Long Xuyên) cần gấp một số tiền để hùn vốn đầu tư và thấy thủ tục, điều khoản đơn giản, nhận tiền ngay và tự tin có thể xoay sở trả tiền lãi hàng tháng nên anh V. quyết định vay 120 triệu đồng qua 10 app trên điện thoại. Với số tiền vay 15 triệu đồng/app, anh V. được giải ngân khoảng 12 triệu đồng.
Với cách tính lũy kế tiền lãi với giá "cắt cổ" vào tiền gốc, số tiền phải trả cho các app cao hơn rất nhiều lần so với tiền đã vay. Mặt khác, khi người vay không trả đúng hạn sẽ bị phạt tiền, dẫn đến tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con” cộng dồn, tăng theo từng ngày. Tiếp theo đó, những màn “tra tấn” của chủ nợ.
Hình ảnh, thông tin cá nhân của anh V. bị các chủ nợ đăng tải trên mạng xã hội: Facebook, Zalo, với những lời chửi bới, nhục mạ. Không chỉ bản thân mỗi ngày phải nhận hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ, đe dọa từ số máy lạ, ngay cả bạn bè và người thân có trong danh bạ điện thoại của anh V. cũng liên tiếp bị khủng bố. Vì sợ bị quấy rầy nên anh V. vay ở các app khác để có tiền trả lãi.
Theo thời gian, anh V. đã vay đến 40 app, với số tiền nợ gốc khoảng 500 triệu đồng. Vậy là, anh V. rơi vào mê cung “nợ chồng nợ” + “lãi đẻ lãi” và trả mãi vẫn chưa xong nợ. Không chịu nổi màn khủng bố của các chủ nợ, lo sợ, suy nghĩ cách thức trả nợ khiến tinh thần của anh V. suy sụp. Cuối cùng, anh V. phải nhờ người thân giúp đỡ và đem tất cả tài sản đến ngân hàng cầm cố để trả nợ, chấm dứt những tháng ngày kinh khủng, đen tối trong "mê cung" của “tín dụng đen”.
Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp rơi vào bẫy “tín dụng đen”. Ngành chức năng khuyến cáo người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức cẩn trọng, không nên vay tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, các tổ chức tài chính "núp bóng" hoạt động “tín dụng đen” nhằm tránh trường hợp vay dễ nhưng khó trả, nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố tinh thần, tạo áp lực trả nợ.
Người dân nếu có nhu cầu vay tiền nên đến ngân hàng, các đơn vị tài chính có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng quy định của pháp luật.
TRỌNG TÍN