Theo Reuters, bác sĩ Ashish Jha, Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, hôm 9-12 đã đề nghị những người từng mắc COVID-19 từ tháng 9 trở về trước nên đi tiêm chủng nhắc lại bằng vắc-xin 2 thành phần chống biến thể Omicron, giúp ngăn nhiễm bệnh trong mùa lễ hội sắp tới.
Trong khi đó, bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ, cảnh báo: "Đừng chờ đợi. Nếu chờ đợi, bạn sẽ gặp nguy hiểm".
Theo bác sĩ Jha, các mũi tiêm tăng cường 2 thành phần mới của Pfizer/BioNTech và Moderna đã có ở Mỹ từ tháng 9. Song, hiện chỉ có 42,2 triệu người tiêm, trong đó người trên 65 tuổi mới đạt 34%.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã mở rộng đối tượng sử dụng vắc-xin COVID-19 2 thành phần đến trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, sau sự chấp thuận tương tự từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đối với sản phẩm của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Người dân xếp hàng trước phòng khám sốt của một bệnh viện tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc hôm 10-12 Ảnh: REUTERS
Vài ngày trước, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thậm chí "đi trước một bước" khi cho phép các vắc-xin thế hệ mới này được sử dụng cho cả người chưa từng tiêm chủng COVID-19 trước đó bằng vắc-xin cũ, thay vì chỉ được sử dụng làm mũi tăng cường như ở Mỹ. Bộ Y tế Canada hôm 9-12 cũng chính thức ủy quyền cho Pfizer/BioNTech cung cấp vắc-xin 2 thành phần làm mũi tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Các động thái này nằm trong chuỗi hành động chung của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trước dự báo về một làn sóng COVID-19 tiếp nối vào mùa đông sau đợt gia tăng trong mùa thu mới đây. Dấu hiệu dường như đã đến sớm ở một số nước châu Á.
Báo cáo dịch tễ hằng tuần phát hành sáng 8-12 (giờ Việt Nam) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số ca COVID-19 ở "điểm nóng" của thế giới là Tây Thái Bình Dương lần đầu giảm tận 10% sau nhiều tuần tăng liên tiếp, sau khoảng nửa tháng "nguội dần" ở Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc, 3 nước thường chiếm phần lớn số ca. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm số liệu của WHO được tổng hợp (4-12), tình hình dịch tại các nước này lại "đảo chiều".
Theo CNBC, sau vài ngày nới lỏng, Trung Quốc đang phải thiết lập thêm các cơ sở chăm sóc đặc biệt và củng cố lại hệ thống bệnh viện trong bối cảnh số ca COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều cơ sở kinh doanh phải tiếp tục đóng cửa vì quá nhiều nhân viên nhiễm bệnh.
Số trường hợp được báo cáo đang giảm nhưng một phần do yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đã kết thúc. NHK đưa tin người dân Trung Quốc đang đổ xô đi mua kit xét nghiệm và thuốc điều trị bởi lo ngại về làn sóng mới. Theo The Guardian, tỉ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi còn thấp và dân số thiếu miễn dịch tự nhiên là 2 mối lo chính đối với Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế hôm 10-12 báo cáo số ca mắc COVID-19 mới là 135.000 người và là ngày thứ 5 liên tiếp số ca tăng so với ngày tương ứng của 1 tuần trước. Hàn Quốc ghi nhận 54.319 ca mới vào ngày 11-12, cao nhất so với tất cả các ngày chủ nhật khác trong 3 tháng gần đây.
Vào các ngày trong tuần trước đó, số ca mắc của Hàn Quốc liên tiếp trên 60.000 người, mà theo cơ quan y tế, là do gần đây nước này đã dỡ bở những quy định phòng dịch cuối cùng, như mang khẩu trang trong không gian phòng kín.
Nhiều thuốc điều trị giảm tác dụng
Hôm 9-12, EMA bày tỏ lo ngại các liệu pháp kháng thể điều trị COVID-19 giảm dần tác dụng trước các biến chủng mới nổi, do được thiết kế liên kết với protein gai của SARS-CoV-2 - cũng chính là vị trí mà các dòng Omicron sau này sinh ra vô số đột biến.
Hồi cuối tháng 11, FDA cũng rút giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với Bebtelovimab - một kháng thể đơn dòng của hãng dược Eli Lilly - vì kém hiệu quả với BQ.1 và BQ.11, cặp hậu duệ thoát miễn dịch "đang lên" của BA.5 Omicron. Trước đó, bác sĩ Anthony Fauci cảnh báo tương tự đối với một thuốc kháng thể khác là Paxlovid của Pfizer.
Theo ANH THƯ (Người lao động)