Cảnh báo lừa đảo mua, bán tiền giả trên mạng

01/06/2021 - 05:30

 - Dù hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị phạt tù đến chung thân nhưng trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo hay trên Internet, việc mua bán tiền giả diễn ra khá công khai. Nếu tham lam dùng tiền thật đặt mua tiền giả, người sử dụng có thể đi tù như chơi.

Cam kết giống thật đến… 99%

Là người thường xuyên trao đổi, mua bán các loại xe máy, anh Quang Vinh (phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) tham gia nhiều nhóm bán hàng trên mạng xã hội Facebook để rao hàng, tìm hiểu nhu cầu hàng hóa. “Dịp Tết Nguyên đán 2021 vừa qua, tôi thấy có tài khoản Facebook “Tiền giả uy tín” rao bán tiền giả, cam kết giống thật đến 99% và trưng ra những tờ tiền giả mệnh giá 100.000, 200.000 và 500.000 đồng để chứng minh. Chủ tài khoản Facebook cho biết, do cận Tết, nhu cầu nhiều nên phải đổi từ 5 triệu đồng tiền mặt trở lên mới giao hàng” - anh Vinh nhớ lại.

Tiền giả được bán công khai trên mạng

Theo yêu cầu đổi 5 triệu đồng tiền thật, tài khoản Facebook “Tiền giả uy tín” yêu cầu phải đặt cọc trước 30% (1,5 triệu đồng) để “đảm bảo nhận hàng”. “Người này cho số điện thoại kết bạn mạng xã hội Zalo, cung cấp chứng minh nhân dân kèm số tài khoản ngân hàng để tạo niềm tin. Đã có người chuyển trước 1,5 triệu đồng, người này cam kết khoảng 3-4 ngày tiền giả chuyển tới. Tuy nhiên, chờ 10 ngày không thấy, liên hệ qua Messenger, Zalo đều không phản hồi, gọi điện thoại không được. Lúc đó, họ mới biết đã bị lừa” - anh Vinh bức xúc.

Theo các chuyên gia, khi mua tiền giả, cho dù có sử dụng hay không, người mua đã vi phạm pháp luật. Trong khi đó, người bán tiền giả do không trực tiếp giao dịch (chủ yếu giao dịch qua bưu điện) nên rất khó bị “tóm”. Do vậy, khi mua tiền giả, chẳng những mất tiền thật mà còn ngồi tù như chơi!

Sau khi có nhiều diễn đàn trên Facebook, Zalo “vạch trần” thủ đoạn lừa đảo bán tiền giả để chiếm đoạt tiền cọc của người dùng, những trang bán tiền giả đã đổi “chiêu”. Trên các Group bán hàng trên Facebook, ít thấy những tài khoản công khai bán tiền giả nhan nhãn như trước mà hoạt động kín hơn. Các nhóm này vẫn tung ra những lời mời chào rất hấp dẫn...

Chiêu mới của các nhóm này là khách hàng không cần đặt cọc, chỉ cần thanh toán cho nhân viên bưu điện khi nhận hàng. “Như vậy vẫn dễ bị lừa nghen. Họ nói do hàng “nhạy cảm” nên không cho kiểm tra hàng, phải thanh toán tiền trước. Khi trả tiền xong, mở hàng ra coi thì y như vàng mã vậy, muốn trả lại cũng không được” - anh Hoàng (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cảnh báo.

Thiệt hại thuộc về người dùng

Lên Google, gõ từ khóa “bán tiền giả”, nhiều trang web kinh doanh mặt hàng này lập tức hiện ra, thậm chí chạy quảng cáo, mua từ khóa để được đẩy lên đầu trang tìm kiếm.

Trên trang datmuatiengia.weebly.com, người bán hàng tên Lâm Quang đánh vào tâm lý người dùng khi tỏ ra đồng cảm: “Thời gian qua, chúng tôi có đi tìm hiểu những trang Facebook và Zalo bán tiền giả với những lời rao hấp dẫn, nhưng khi hỏi mua thì yêu cầu đặt cọc bằng thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, khi nhận hàng qua bưu điện không được kiểm tra. Vậy thử hỏi các bạn có tin được không?”.

Sau đó, Quang giới thiệu: “Shop tiền giả không đặt cọc, giao hàng toàn quốc bên chúng tôi khác với Shop tiền giả khác. Chúng tôi không yêu cầu mọi người đặt cọc, khi nhận hàng được kiểm tra. Tiền giống thật đến 99%, được làm từ 100% chất liệu Polymer, đặc điểm không nhàu nát, khó phai màu, không mùi...”.

Theo Quang, bỏ ra 1 triệu đồng tiền thật, nhận 10 triệu đồng tiền giả, mệnh giá tiền giả do khách hàng chọn, từ 50.000 - 500.000 đồng. Ngoài được kiểm tra hàng, khách còn được đổi trả trong vòng 3 ngày nếu như xài không hết, hoặc hàng không như mong muốn. Thừa nhận tiền giả là “mặt hàng cấm liên quan đến pháp luật, chúng tôi rất cẩn thận trong việc mua bán”, Quang lưu ý khách hàng nên “quyết định thật kỹ trước khi mua tiền giả để tránh mất thời gian, tính chất làm việc nhanh chóng không rề rà, lằng nhằng”.

Ở những trang web, như: doitiengia.com, buontien247.fun, muatiengia.club, shopbantiengia2021.club… ngoài cam kết không đặt cọc, nhận hàng được kiểm tra mới thanh toán tiền, còn kèm hướng dẫn cách sử dụng để không bị “tóm”. Theo ngành chức năng, các lời rao bán tiền giả trên mạng thực chất là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, mọi người cần nâng cao cảnh giác, tránh để "tiền mất tật mang"...

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có thể bị phạt tù từ 3-7 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, bị phạt tù từ 5-12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

HOÀNG XUÂN