Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

13/09/2023 - 06:56

 - Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội, qua điện thoại. Các đối tượng không từ một thủ đoạn nào, chúng giả danh cơ quan pháp luật, giả nhân viên ngân hàng, giả tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng… để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu…

Người dân cần hết sức cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản

Tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao ngày càng tinh vi. Bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân, như: Tên, tuổi, ngày sinh, số chứng minh công dân, căn cước công dân, số điện thoại, thông tin tài khoản mạng xã hội... Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền.

Một thủ đoạn nữa là tạo ra các đường link có chứa mã độc và gửi cho người khác qua các ứng dụng mạng xã hội. Khi người nhận được đường link và ấn truy cập thì sẽ bị các đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả website của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Cách đây hơn 1 tuần, anh N.T.T. (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) nhận tin nhắn gửi đường link của một người bạn qua ứng dụng Messenger của Facebook, với nội dung vụ án chém nhau diễn ra tại TP. Long Xuyên.

Hiếu kỳ, anh T. bấm vào đường link để xem. Chỉ vài giây sau, anh bị kẻ gian chiếm đoạt tài khoản Facebook cá nhân. Anh T. chưa kịp nhắn tin cảnh báo với bạn bè, người thân thì các đối tượng đã sử dụng công nghệ cắt ghép hình ảnh, nhắn tin, thậm chí giả giọng nói của anh để gọi “video call” cho người quen, bạn bè và đồng nghiệp để nhờ chuyển tiền. Một số người tưởng đó là anh T. nên đã chuyển tiền đến số tài khoản mà đối tượng cung cấp.

“Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ mà bọn chúng đã gửi tin nhắn mượn tiền đến hầu hết bạn bè trên facebook của tôi. Nhiều người cảnh giác đã thông tin là “nick” tôi bị “hack”. Dù vậy, cũng có 2 người thân vì tưởng thiệt nên chuyển khoản cho bọn chúng, nhưng số tiền không nhiều” - anh T. chia sẻ.

Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức giả danh cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật. Chúng hù dọa người dân để chiếm đoạt tiền. Tội phạm giả danh nhân viên nhà mạng, lừa đảo chủ thuê bao di động để lấy mã OTP (mật khẩu bảo vệ cho các tài khoản thanh toán ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến…) của chủ sử dụng, đăng nhập vào các ví điện tử hay app ngân hàng để chiếm đoạt tiền.

Cách đây không lâu, anh L.T.H. (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) liên tiếp nhận 2 cuộc gọi lừa đảo. Cuộc gọi thứ nhất, tự xưng là cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh gọi điện nói, số điện thoại anh đang sử dụng có liên quan đến vụ án hình sự cần hợp tác điều tra. Còn cuộc gọi thứ 2, thì xưng là nhân viên bưu tá nói là có 1 kiện hàng gửi không thành công, nhưng hỏi kỹ lại thì đơn hàng đó ở tận Đà Nẵng và gửi đi Singapore...

Biết là đối tượng lừa đảo nên anh H. “đẩy thuyền” với các đối tượng trên, thì chúng dùng những lời lẽ vô văn hóa rồi tắt máy. “Xem đài, đọc báo nên biết được đây là các đối tượng lừa đảo, tôi không bị sập bẫy của bọn chúng. Tuy nhiên, vì sao chúng có được thông tin chính xác của tôi, nhất là nói đúng thời điểm tôi gửi bưu kiện để gọi lừa đảo. Điều đó, rất cần phải suy ngẫm trước việc bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của một số đơn vị chuyển phát nhanh hiện nay” - anh H. cho biết.

Trên thực tế, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn, do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng khoa học - công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, bị hại thường trình báo công an rất trễ. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Trong đó, làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bẫy lừa đảo của các đối tượng. Mỗi người cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân và không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết và chưa được xác thực. Khi phát hiện các dấu hiệu, thông tin liên quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời thông báo cho cơ quan công an để xử lý…

LÊ HOÀNG