Cảnh báo sạt lở mùa mưa lũ

22/09/2020 - 04:32

 - Hiện nay đang vào mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đang đổ về. Điều lo lắng nhất là tình hình sạt lở đất bờ sông có thể xảy ra bất thường, nhất là những nơi đã được cảnh báo “sạt lở nguy hiểm”. Chính quyền địa phương và người dân tăng cường theo dõi, kiểm tra để đảm bảo ứng phó kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

UBND tỉnh An Giang vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn (từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên). Đồng thời, triển khai các biện pháp cứu hộ và tăng cường bảo vệ các công trình, phòng chống thiên tai đang bị sự cố xảy ra. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. UBND TP. Long Xuyên vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Thông báo, cắm biển báo, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

Giao UBND TP. Long Xuyên (chủ đầu tư) nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông, lòng đường và đường bờ trong đoạn được cảnh báo nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và phê duyệt phướng án thiết kế làm cơ sở thực hiện. Kinh phí thực hiện sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ…

Tình hình sạt lở tại rạch Cái Sắn gần đây diễn biến phức tạp, có xu hướng mở rộng chiều dài và mức độ ảnh hưởng, với chiều dài cảnh báo là 2.300m từ vàm sông Hậu đến hết ranh phường Mỹ Thạnh. Cụ thể, năm 2014 sạt lở chủ yếu diễn ra tại khu vực chợ với tổng chiều dài cảnh báo là 500m (từ cầu Năm Sú đến cầu Sáu Bá); năm 2016, sạt lở kéo dài đến rạch Mương Thơm, tổng chiều dài đoạn cảnh báo là 1km; năm 2018, lại xuất hiện thêm 2 vụ sạt lở mới tại khu vực tổ 13, khóm Thới Thạnh, gây thiệt hại đến đường giao thông ven bờ, sạt 1 căn nhà xuống rạch.

Từ năm 2019 đến nay, khu vực này đã xảy ra 4 đợt sụt lún, sạt lở. Trong đó, đợt xảy ra ngày 10-6-2019 vết nứt khoảng 3-10cm, dài 40m, lún sâu khoảng 10cm. Theo kết quả đo đạc địa hình đáy sông có hình chữ U với đáy lệch sang bờ phường Mỹ Thạnh, từ đó hình thành mái dốc khá đứng, độ sâu phổ biến nằm giữa lòng sông từ -6m đến -7.5m. Tuy nhiên, quanh khu vực sụp lún có độ sâu từ -8m đến -9.7m, đây là khu vực xuất hiện xoáy cuộn vào mùa nước đổ, cũng là khu vực thường xuyên xảy ra sụt lún, nứt đường bờ. Mực nước dâng cao, đã làm khoét vào chân bờ, do đó, sạt lở đoạn này trong thời gian tới sẽ diễn ra phức tạp…

Theo ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu là khu vực nằm trên cua cong, áp lực dòng chảy mạnh sát bờ vào mùa nước đổ, khu vực bờ đối diện thuộc quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) có nhiều nhà máy xay xát với nhiều phương tiện thủy lưu thông, nên dòng nước đạp mạnh vào phía bờ An Giang gây xói lở.

Trên các tuyến sông chính trong tỉnh, tình hình sạt lở xảy ra nhiều nơi, tiếp tục có nguy cơ cao trong mùa mưa lũ. Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đợt 1 năm 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua khảo sát, đo đạc thực địa, hiệu chỉnh, phân tích số liệu nội nghiệp, tổng chiều dài 171.580m (tăng 2.250m so với kỳ trước) đối với các tuyến sông, kênh, rạch chính như: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn...

Toàn tỉnh An Giang có 53 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm (tăng 1 đoạn tại Vàm Cái Hố, xã An Thạnh Trung từ rạch Chanh lên thượng nguồn), trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm đặc biệt cần chú ý. Số đoạn cảnh báo có tăng và có xu hướng tăng về chiều dài và gia tăng về mức độ nguy hiểm và xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ.

Theo đó, dọc sông Tiền đã thực hiện quan trắc 12 đoạn sông để cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài 49.100m, qua các địa phương: TX. Tân Châu (xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân An, các phường Long Châu, Long Hưng, Long Thạnh, Long Sơn); huyện Phú Tân (xã Long Hòa, thị trấn Chợ Vàm, xã Phú An, Phú Thọ, thị trấn Phú Mỹ); huyện Chợ Mới (xã Kiến An, thị trấn Chợ Mới, xã Long Điền A, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân).

Dọc sông Hậu thực hiện quan trắc 27 đoạn sông để cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài 79.850m  (tăng 1 đoạn tại Vàm Cái Hố dài 850m so với năm 2019). Chạy qua các địa phương: huyện An Phú (xã Khánh An, Quốc Thái, Phú Hữu, Phước Hưng, Vĩnh Lộc, Vĩnh Trường và thị trấn An Phú), TP. Châu Đốc (phường Châu Phú B - ngã ba sông Châu Đốc), TX. Tân Châu (xã Châu Phong), huyện Phú Tân (xã Phú Hiệp, Hòa Lạc, Phú Bình, Bình Thạnh Đông, Tân Trung), huyện Châu Phú (xã Khánh Hòa, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Mỹ, Bình Thủy, thị trấn Cái Dầu), huyện Châu Thành (xã Bình Thạnh), TP. Long Xuyên (xã Mỹ Hòa Hưng, phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh), huyện Chợ Mới (xã Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông, An Thạnh Trung, Hòa An, Hòa Bình).

Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện và xã tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác cảnh báo, phòng chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích